Ngày Đăng: 11 Tháng 10 Năm 2007 Từ thập niên 60 đến nay, nếu nghệ sĩ huy chương vàng giải Thanh Tâm nào còn sống thì cũng đã trên 60 tuổi và có ít nhất trên 40 năm phụng sự cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Nữ nghệ sĩ Ánh Hồng là nghệ sĩ được trao tặng huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1962 đồng thời với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương.
Cô Ánh Hồng là một tài năng sáng chói, một ngôi sao sân khấu từ lúc mới được đăng quang đến nay vẫn mãi tỏa sáng trong suốt một chặn đường dài phụng sự nghệ thuật cho công chúng khán giả.
Thưa quý thính giả, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng tên thật là Lê Thị Kim Hồng, sanh năm 1944, sinh quán ở tỉnh Cà Mau. Khi cô được 5 tuổi thì cô theo gia đình lên định cư tại Saigon.
Cha của cô Ánh Hồng là nhạc sĩ Bảy Vinh, chuyên đờn tranh, ông thường tổ chức đờn ca tài tử tại nhà với các bạn nhạc sĩ tài danh Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ, Ba Tình, Chín Trích… Lúc 12 tuổi, Ánh Hồng thích nghe đờn ca, cô được nhạc sĩ Ba Tình dạy ca vọng cổ và nhiều bài bản để ca trong những buổi đờn ca tài tử tại nhà.
Năm 13 tuổi, Ánh Hồng học hết lớp đệ tứ, cô xin cha cho nghĩ học chữ để đeo đuổi theo nghiệp cầm ca. Nhờ các nghệ sĩ Ba Tình, Bảy Bá hướng dẫn, Ánh Hồng ca cổ nhạc trên đài Phát thanh Saigon, được thính giả yêu thích và được các ký giả kịch trường viết bài khen giọng ca của Ánh Hồng qua các bài vọng cổ Thư Xuân Con Gởi Cho Cha, Trương Chi Mỵ Nương. Họ tặng cho cô mỹ hiệu là Thần Đồng Ánh Hồng.
Năm 14 tuổi thần đồng Ánh Hồng được các đoàn hát đại ban như Thủ Đô, Thúy Nga, Phụng Hảo ký hợp đồng mời về hát những vai đào con, đào nhì vì tuy giọng ca của Ánh Hồng rất khoẻ, duyên dáng và thu hút khán, thính giả nhưng về sắc vóc thì cô gái 14 tuổi vóc dáng còn quá nhỏ, không thể đóng cặp và vào các vai mùi với kép cao lớn như Út Trà Ôn, Thanh Hải, Văn Ngân, Tấn Tài.
Năm 1960, Ánh Hồng 16 tuổi, trổ mã đẹp gái, giọng ca thêm điêu luyện, cô được đoàn Hoa Sen của ông Bầu Bảy Cao mời về đóng vai đào chánh thay cho nữ nghệ sĩ Diệu Hiền vừa rời gánh hát.
Trên sân khấu Hoa Sen, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng thành công qua vai Lệ Thu trong tuồng Sanh Dưỡng Đạo Đồng, vai Thụy trong tuồng Người Đàn Bà Mặt Cháy.
Năm 1962, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng ký hợp đồng với đoàn hát Thúy Nga, trên sân khấu này, A!nh Hồng sáng chói trong vai Yến Tử, tuồng Hoa Tình Nở Muộn, chính nhờ diễn xuất sắc vai Yến Tử mà nữ nghệ sĩ Ánh Hồng đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1962.
Một cô gái chỉ mới học ca cổ nhạc tại nhà, không có học ở trường lớp nghệ thuật nào, không có nghệ sĩ tài danh của sân khấu chỉ dạy riêng, cô đi theo đoàn hát thì chỉ đóng được các vai đào con vậy mà hai năm sau cô đã đạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm, một giải thưởng đánh giá một cách khắt khe về nghệ thuật ca diễn xuất sắc và sắc vóc xinh đẹp của diễn viên. Đó không phải là một điều dễ dàng mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng có thể làm được.
Năm 1962 là thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, có nhiều đại ban mới thành lập, có nhiều nghệ sĩ trẻ đẹp, ca hay hát giỏi, các đoàn hát cạnh tranh với nhau gay gắt để có tuồng hay, đào kép giỏi hầu thu hút khắn giả.
Hơn mười mấy nghệ sĩ tài danh bậc nhất của các đoàn hát, thinh sắc lưởng toàn, tham dự cuộc tuyển chọn của giải Thanh Tâm, vậy mà hai cô trẻ nhất Ngọc Hương và Ánh Hồng lại chiếm được hai huy chương vàng, cũng đủ cho ta thấy là nữ nghệ sĩ Ánh Hồng đã khổ công tự rèn luyện nghệ thuật ca, diễn, cô có một thiên tư đặc biệt và rất có duyên sân khấu.
Sau lễ phát huy chương vàng giải Thanh Tâm, bà Bầu Kim Chưởng liền mời nữ nghệ sĩ Ánh Hồng ký một hợp đồng với một số tiền contrat hậu hỉ để Ánh Hồng về hát cho đoàn Kim Chưởng.
Bà kịp thời khai thác sức thu hút mãnh liệt của giọng ca và sắc đẹp cùng khả năng diễn xuất của huy chương vàng Ánh Hồng, Ánh Hồng và Ba của cô cũng biết rằng khi Ánh Hồng về hát trên sân khấu Kim Chưởng thì Ánh Hồng sẽ được minh sư Kim Chưởng chỉ dạy cho nghề hát một cách có căn bản nên Ánh Hồng chấp nhận về hát cho đoàn Kim Chưởng.
Người trong nghề hát thì nói là Ánh Hồng được Tổ đải, được Tổ nghiệp cải lương ban cho cái duyên sân khấu và ban cho nhiều cơ hội tốt để tiến thân nhanh chóng và vững chắc trên đường sự nghiệp.
Bản thân Ánh Hồng cũng lấy đó làm niềm tin, cố gắng học tập, trao dồi nghệ thuật ca, diễn nên chỉ trong một năm trên sân khấu Kim Chưởng, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng đã thành công nhiều vai đáng nhớ như vai Ai Thi Lệ trong tuồng Hai CHiều Ly BIệt, vai Châu Bích Phượng trong tuồng Ảo ảnh Châu Bích Lệ,.
Năm 1964, Ánh Hồng vừa hết contrat với đoàn Kim Chưởng thì ông Bầu Long, đoàn Kim Chung lập tức ký hợp đồng cho Ánh Hồng một triệu đồng, hát trong một năm tại sân khấu của đoàn Kim Chung. Một triệu đồng trong thời điểm 1964 là một số tiền rất lớn, đó là chưa kể số lương cả ngàn đồng một suất diễn nên gia đình của A!nh Hồng có một cuộc sống sung túc, nhà cử đầy đủ tiện nghi.
Trên sân khấu Kim Chung, Ánh Hồng hát chánh với nam nghệ sĩ Minh Phụng, ngoài ra Ánh Hồng có nhiều vai diễn « đúp lê » với nữ nghệ sĩ Lệ Thủy như vai Lý Vân Hà trong tuồng Bảo Biển, vai Mạnh Lệ Quân tuồng Mạnh Lệ Quân, vai Hoa Mộc Lan tuồng Hoa Mộc Lan tòng chinh.
Khi hết hợp đồng với đoàn hát Kim Chung, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng hát cho sân khấu Tân Hoa Lan của bầu Út Bạch Lan, sau đó cô trở về hát trên sân khấu Kim Chưởng và đoàn Hoa Anh Đào, cô đã hát qua các tuồng Cổ Xe Độc Mã, Kẻ Sợ Trăng, Chín Đường Tuyệt Kiếm. Trong thời gian nầy Ánh Hồng cũng được các hãng dĩa Việt Nam của ông Lê Văn Tài, hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản và hãng dĩa Continental của ông Nguyễn Văn Đông mời thu thanh các dĩa tuồng đã được trình diễn trên sân khấu và nhiều dĩa ca tân cổ giao duyên.
Năm 1970, sau Tết Mậu Thân 68, vì tình trạng đô thành có giới nghiêm, các gánh hát bị thất thu, hát ít hơn trước. Nữ nghệ sĩ Ánh Hồng rời sân khấu sàn diễn để phụ với gia đình trong việc buôn bán. Cô cùng với các bạn diễn viên Thanh Nguyệt, Thoại Miêu, Tài Lương, Đổ Quyên, Vân anh tham gia vào Câu Lạc Bộ Văn Nghệ của một trường Đại Học ở Saigon.
Trong thời gian nầy Câu Lạc Bộ được Hội Thân Hữu các dân tộc tại Pháp mời đi biểu diễn ở các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Nữ nghệ sĩ Ánh Hồng thủ vai chánh trong các trích đoạn cải lương : An Lộc Sơn, Tây Thi - Phạm Lãi, Huyền Trân Công Chúa, hát cho kiều bào và các du học sinh VIệt Nam xem.
Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Ánh Hồng hát trở lại cho đoàn cải lương Hoa Phượng. Cuối năm 1975, Nghệ sĩ Hữu Lộc, trưởng đoàn cải lương Tây Ninh mời Ánh Hồng về hát chánh. Tại sân khấu này, hai nghệ sĩ Ánh Hồng và Hữu Lộc yêu nhau, chánh thức thành hôn và chung sống cho đến hôm nay.
Nữ nghệ sĩ Ánh Hồng có nhiều vai hát ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng của khán giả và các bạn đồng diễn như vai bà ngoại trong vở Người Trong Cõi Nhớ,. Hát vai nầy cô đoạt được huy chương vàng hội diễn sân khấu cải lương năm 1985.
Từ năm 1986, hai vợ chồng nghệ sĩ Hữu Lộc và Ánh Hồng về Long An, xây dựng đoàn cải lương Long An, Ánh Hồng và Hữu Lộc hát chjo sân khấu nầy trong 10 năm, Ánh Hồng đạt được giải thưởng đặc biệt trong Hội diễn cải lương toàn quốc năm 1990 trong vai Bà Sáu Hà, tuồng Chỉ Còn Là Kỷ Niệm.
Năm 1998, nghệ sĩ Ánh Hồng chánh thức rời sàn diễn. Do yêu cầu của địa phương, Ánh Hồng mở lớp đào tạo diễn viên sân khấu cải lương, cô đã mở được hai khóa, đào tạo hơn chục nghệ sĩ kế thừa đầy tài năng.
Dù không xuất hiện trên sàn diễn nữa, nhưng mỗi khi Ánh Hồng có dịp trở lại các địa phương mà đoàn hát Long An có dịp đến hát, khán giả vẫn còn nhớ và còn tỏ lòng mến mộ đặc biệt đối với thần tượng Ánh Hồng.
Giới nghệ sĩ cải lương và các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật đánh giá cao những cống hiến của nữ nghệ sĩ Ánh Hồng cho khán giả và cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Sources: rfa |