Ngày Đăng: 07 Tháng 10 Năm 2014 NSƯT Chí Trung thực hiện chương trình "Ao làng" - chùm kịch nói về những thói hư, tật xấu của người đô thị.
Để thực hiện chương trình này, NSƯT Chí Trung đã đặt hàng hai tác giả Nguyễn Toàn Thắng và Duyên Anh viết kịch bản. Sau đó anh chọn 5 tiểu phẩm đưa vào chương trình gồm: Tên làng, Sống thử, Ghen xuôi, Tiếp thị cao cấp và Ô sin đấy.'
| Một hình ảnh trong tiểu phẩm \"Tên làng\". |
Năm tiểu phẩm là năm câu chuyện có nội dung khác nhau với nhân vật, bối cảnh, tình huống tách biệt. Nhưng bằng tài dàn dựng, NSƯT Chí Trung đã xâu chuỗi các tiểu phẩm nhỏ để chúng nằm trong một tổng thể chương trình có tính xuyên suốt.
Tiểu phẩm Tên làng được coi như một khúc dạo đầu dẫn dắt, tạo bối cảnh để những người trẻ nông thôn bỏ làng lên thành phố. Ở một làng nọ, dân chúng suốt ngày mở hội, hát ca. Ngày kia, các vị cao niên, tiền bối thuộc hai dòng họ xảy ra xích mích vì muốn đặt tên lại cho làng. Tranh chấp gay gắt tới mức đám trẻ, con cháu đâm ra chán nản, bỏ quê lên thành phố.
Bốn tiểu phẩm tiếp theo được xây dựng là những câu chuyện có bối cảnh ở thành phố. Sống thử khắc họa cuộc sống của những cặp sinh viên từ nông thôn ra thành thị trọ học. Xa nhà, không có sự sát sao, bao bọc của cha mẹ, họ tự do góp gạo thổi cơm chung. Từ đây bao câu chuyện dở khóc dở cười phát sinh, có cả những hệ quả đau lòng không ai muốn.
Tiểu phẩm Ghen xuôi xảy ra trong một gia đình có ba thế hệ. Họ có gốc gác ở nông thôn nhưng đã chuyển hẳn lên thành phố sinh sống. Ở đó, những bà mẹ chồng vốn cả đời ở nông thôn, khi con cái ổn định, mua đất dựng nhà trên thành phố đón họ lên ở cùng, thì các bà phải làm quen với cuộc sống mới. Sự xung đột giữa hai thế hệ già - trẻ, giữa hai nếp sống của người quê - người phố đã phát sinh. Các bà mẹ chồng mang nặng tâm lý "mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng", bởi gia đình bà, con bà đã mang tiền của từ quê ra, vất vả làm ăn mới mua được đất đai thành phố. Vì thế, các bà tìm mọi cách làm khổ con dâu là người phố để chứng tỏ mình có vai trò trong gia đình.
Tiểu phẩm Tiếp thị cao cấp là một sự phản ánh hiện thực những người mang danh nhân viên tiếp thị đi lừa đảo. Hai chàng trai tự xưng là nhân viên tiếp thị tới nhà nọ, gặp một bà cụ là người quê ra phố ở cùng con cái. Giở đủ chiêu thức để lấy lòng tin, hai tiếp thị viên đã lừa bán những món đồ giá trị thấp với cái giá trên trời. Chẳng những thế, họ còn tiện tay thó luôn chiếc điện thoại đắt tiền rồi bỏ trốn. Sẽ là một câu chuyện mang màu sắc bi quan nếu như nó kết thúc ở đó. Nhưng phần cuối của tiểu phẩm, đạo diễn đã để cho hai tay tiếp thị thức tỉnh lương tâm khi bàn nhau trả lại chiếc điện thoại.
Tiểu phẩm cuối trong chương trình là Ô sin... đấy, nói về mối quan hệ giữa ông bà chủ nhà và người giúp việc. Trong mối quan hệ đó, ô sin vốn là người giúp đỡ bà chủ trong chuyện thu vén công việc gia đình, nhưng hai bên lại dễ trở thành kẻ thù khi ô sin nhăm nhe chăm sóc, thu vén luôn cả ông chủ.
NSƯT Chí Trung đã sử dụng một chi tiết hài hước, có phần mỉa mai làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt, xâu chuỗi các tiểu phẩm: thói quen nhổ nước bọt của các nhân vật. Ngay từ tiểu phẩm đầu cho thấy, những người dân của làng có một thói quen là nhổ nước bọt. Khi bỏ quê lên thành phố, họ đã thay da đổi thịt, đắp lên người bao thứ đẹp đẽ, đắp vào đầu bao kiến thức mới, nhưng không thể bỏ thói quen nhổ nước bọt. Các nhân vật trong Ghen xuôi, Tiếp thị cao cấp, Sống thử, Ô sin… đấy đều nhổ nước bọt trong những tình huống gay cấn, dở khóc dở cười.
| Nhạc sĩ Trương Quý Hải vào vai nhạc sĩ dẫn chuyện trong \"Ao làng\". |
Điểm đặc biệt trong chùm hài kịch là sự xuất hiện của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Tác giả Hà Nội mùa vắng những cơn mưa đã sáng tác ca khúc Gió quê về thành phố làm chủ đề cho chương trình. Ngoài ra, ca khúc Thả đỉa ba ba nói về phận người phụ nữ cũng được sử dụng trong chương trình. Trương Quý Hải lần đầu tiên đứng trên sân khấu với vai trò diễn viên khi tham gia hài kịch Ao làng. Như anh nói: "Tôi vào vai chính tôi", Trương Quý Hải đóng vai một nhạc sĩ trong tác phẩm. Anh là người nhạc sĩ ở phố, có vai trò kể chuyện, dẫn dắt. Anh kể những câu chuyện mắt thấy, tai nghe về những người ở phố với những ứng xử văn hóa vẫn còn mang đậm nét "ao làng".
Nếu như chi tiết nhổ nước bọt tạo tiếng cười, thì sự xuất hiện của nhạc sĩ - người dẫn chuyện lại đưa người xem đến với những suy tư sau tiếng cười. Những trăn trở, khắc khoải trong lời dẫn, trong ánh mắt của nhạc sĩ giúp chúng ta nhìn nhận các vấn đề dưới góc độ văn hóa ứng xử.
Chùm hài kịch Ao làng có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Minh Hằng, Hương "tươi", Tùng Linh, Như Lai, Anh Thơ, Quang Ánh... Chương trình diễn cố định vào 20h ngày 18, 19 và 20/10 tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
Sources: vnexpress |