Ngày Đăng: 03 Tháng 03 Năm 2014 Nghệ sĩ Nhân dân dồn sức cho "Thị Hến" để giới thiệu đến khán giả tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt. Chị và êkíp mang vở công diễn tại Sài Gòn từ đầu tháng 3.
Tối 3/3, tại Nhà hát TP HCM, Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội (Đoàn kịch 1) ra mắt tác phẩm Thị Hến do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh đạo diễn.
Vở được Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn tại Hà Nội cách đây hai tháng. Lê Khanh chia sẻ, đúng vào dịp kịch tổng duyệt thì chị phải bay vào TP HCM để chuẩn bị tham gia chương trình sân khấu kỷ niệm 35 năm nhà hát thành lập và 25 năm ngày mất Lưu Quang Vũ. "Tối vở diễn Thị Hến ra mắt, tôi đứng trước cửa Nhà hát TP HCM mà cứ hồi hộp không biết giờ này các anh em ở Hà Nội làm việc đến đâu rồi. Chưa bao giờ mình trải qua cảm giác phấp phỏng như thế. Sau khi nhận được tin nhắn 'Hôm nay thăng hoa bất ngờ' từ các anh em, tôi mới thở phào nhẹ nhõm", nữ nghệ sĩ kể lại khoảnh khắc ra mắt đứa con tinh thần của mình.
| Vở diễn là nơi để các diễn viên trẻ thỏa sức tung hứng với các nhân vật điển hình. |
Tác phẩm được dàn dựng từ kịch bản Nghêu, Sò, Ốc, Hến - một vở diễn kinh điển của sân khấu dân gian Việt Nam mà nhiều người đều biết rõ nội dung. Dù vậy, với hình thức chuyển tải mới và cái nhìn đầy nữ tính và không kém phần sâu cay của nữ đạo diễn, vở kịch đã được khán giả thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Lê Khanh chia sẻ, cuối buổi diễn ở Hà Nội, êkíp của chị đều xin ý kiến từ khán giả để hiểu rõ hơn cảm nhận của mọi người. Cầm xấp giấy trưng cầu ý kiến trên tay, chị hạnh phúc vì có những khán giả rất trẻ vẫn dành thời gian đến xem kịch và bày tỏ sự thích thú. Có người lớn tuổi còn dắt cả nhà gồm con, cháu, dâu, rể đi xem để biết thêm một nét văn hóa của sân khấu Việt.
Khi Lê Khanh bắt tay vào thực hiện Thị Hến, không ít người đặt câu hỏi vì sao chị lại chọn một kịch bản không thể cũ hơn như thế. Nhưng niềm tin vào sức hút của hài kịch dân gian và niềm đam mê sân khấu thôi thúc nữ nghệ sĩ quyết tâm. Tác phẩm của chị không quá cầu kỳ về phần thiết kế sân khấu, nhưng lại cho thấy nét tinh tế, sáng tạo, chăm chút từ những âm thanh nhỏ nhặt nhất như: tiếng tắc kè, thạch sùng kêu trong nhà Thị Hến giữa đêm tịch mịch, hay tiếng các loại chim đua nhau tranh giọng trong nhà thầy đồ... Lê Khanh muốn làm bật lên một góc không gian văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ với những âm thanh cuộc sống đồng quê rộn rã, với những loại người tốt xấu đủ cả, vẽ nên một câu chuyện kể được lồng vào bức tranh dân gian. Toàn bộ vở diễn hài này được kết lại bằng một bản đồng dao mộc mạc, như một ngụ ý kết thúc và chấm dứt một trò chơi sau thời gian nông nhàn, để người ta bước tiếp những trang mới trong cuộc sống.
| Tác phẩm mang lại tiếng cười rộn rã dịp đầu xuân. |
Nhưng điều cuốn hút Lê Khanh nhất ở kịch bản vở diễn này không chỉ có tiếng cười mà còn là chất suy ngẫm, đáo để và sâu sắc mà cha ông gửi gắm vào đó. Chị bảo, càng đọc lại kịch bản Nghêu, Sò, Ốc, Hến càng thấy vở diễn này mang đậm những giá trị thời sự, những vấn đề mang tính đương đại liên quan trực tiếp đến xã hội của ngày hôm nay.
Nữ đạo diễn khẳng định, nếu không dựng vở Thị Hến chị sẽ rất nuối tiếc vì để lỡ cơ hội cho lớp diễn viên thế hệ sau có thể học hỏi, trau dồi nghề nghiệp và tỏa sáng trên sân khấu. "Không phải ai trong đời diễn viên cũng được thể hiện những dạng vai đa sắc thái và tính cách như thế này. Đây là mảnh đất màu mỡ cho những người theo nghề vì các nhân vật trong vở đều là những nhân vật điển hình. Vở cùng từng làm nên những tên tuổi nghệ sĩ, như bố tôi Nghệ sĩ Nhân dân Trần Tiến, ngày trước từng đóng vai Nghêu", Lê Khanh chia sẻ.
| \"Thị Hến\" có nội dung trào lộng về các vấn đề thời sự xã hội lồng vào bối cảnh câu chuyện hài kịch dân gian. |
Ngoài vai trò đạo diễn, Lê Khanh còn vào vai bà huyện trong vở diễn (đổi vai cùng diễn viên Thanh Tú qua các suất). Cùng với dàn diễn viên trẻ, nữ nghệ sĩ hứa hẹn mang đến tiếng cười rộn rã đầu xuân cho khán giả.
Dù khái niệm "sân khấu xã hội hóa" không thực sự thịnh hành phía Bắc, với vở Thị Hến, Lê Khanh đi theo phương thức này. Mỗi nghệ sĩ cùng đóng góp phần mình để làm nên vở diễn, bản thân Lê Khanh cũng đùa, chị làm đạo diễn không cát-xê, chỉ mong diễn viên phát huy hết được tố chất. "Nếu cố gắng làm tốt thì không sợ khán giả quay lưng với mình", chị nói.
Vở kịch của NSND Lê Khanh là tác phẩm mở màn cho chương trình lưu diễn mang tên “Thị Hến du xuân”, do các nghệ sĩ Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn, nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Chương trình này bao gồm những tiểu phẩm, vở kịch đặc sắc được chọn lọc từ các suất diễn rất thành công tại Hà Nội. Các vở diễn gắn với hình tượng người phụ nữ Việt Nam và được thể hiện qua những góc nhìn đa chiều, mang đến những trải nghiệm sâu sắc, hài hước và giàu tính nhân văn.
Những tiết mục trong chương trình lưu diễn được các tên tuổi nổi danh trong làng sân khấu dàn dựng, như: NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Khanh, NSƯT Anh Tú…Khán giả phía Nam được dịp thưởng thức các vở: Thị Hến (hài kịch dân gian), Nhà có 5 anh em trai, Cầu vồng lục sắc, Nhà có 3 chị em gái, chùm hài kịch chọn lọc Phụ nữ ơi, em là ai?. Lịch diễn các vở này kéo dài từ ngày 3 đến 12/3, trong đó, vở Thị Hến diễn suất đầu ra mắt tại Nhà hát TP HCM vào tối 3/3. Từ ngày 4/3, lịch các vở diễn tại Rạp Công Nhân, đường Trần Hưng Đạo, quận 1.
Sau TP HCM, các nghệ sĩ mang những tác phẩm này đến với khán giả ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 14 đến 17/3.
Sources: vnexpress |