Ngày Đăng: 13 Tháng 05 Năm 2015 Nghệ sĩ cải lương đến với nghề hát bằng nhiều duyên cớ khác nhau. Có người trở thành nghệ sĩ là do truyền thống gia đình, ông bà, cha mẹ là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nên con cái sanh ra, lớn lên trong gánh hát và học nghề hát của cha mẹ theo truyền thống cha truyền con nối.
Có những người có giọng ca ngân vang hoặc trầm ấm, một giọng ca vàng, được các nhạc sĩ hay nghệ sĩ tài danh khám phá và tận tâm đào tạo thành một danh ca cổ nhạc.
Có những người được cha mẹ cho học các lớp ca cổ do các nhạc sư nhạc sĩ trực tiếp chỉ dạy và giới thiệu gia nhập một gánh hát để học diễn xuất.
Có những người vì sự mưu sinh, theo gánh hát làm những công việc tạp dịch trong gánh hát, làm anh dàn cảnh, thợ đèn hay chỉ ghế, gác cửa, mỗi đêm theo dõi các nghệ sĩ và âm thầm học nghề. Gặp dịp may , người đó đứng ra thế tuồng nghệ sĩ vắng mặt rồi dần dần trở thành nghệ sĩ.
Có những người ham vui, chơi đờn ca tài tử, ái mộ bạn tri âm, bỏ nghề tay mặt đang sinh sống mà theo đoàn hát, học hát rồi trở thành nghệ sĩ.
| Danh Hài Nguyên Hạnh. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương. |
Ái mộ nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ
Nghệ sĩ danh hài Nguyên Hạnh là người ái mộ nghệ sĩ, theo chơi trong các cuộc đờn ca tài tử và nhân đó học nghệ để trở thành nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Nguyên Hạnh tên thật là Nguyễn Văn Hạnh, sanh năm 1963, sinh trưởng tại Saigon, đường Nguyễn Tấn Nghiệm, nhưng quê quán của cha mẹ anh ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Thân phụ của anh là ông Nguyễn Văn Hồng, công chức, mẹ là bà Nguyễn Thị Quyên, nội trợ. Nguyên Hạnh có hai người em tên Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Thanh Liêm, cả hai đều sinh sống với nghề nông ở quê nhà.
Nguyên Hạnh học trường Tiểu Học Cầu Kho ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm, học đến lớp đệ tứ Trung học trường Nguyễn Văn Khuê đường Nguyễn Thái Học, rồi vì hoàn cảnh gia đình, anh nghĩ học văn hóa, theo người anh nuôi là Nguyễn văn Quang, đi học nghề sửa xe gắn máy ở tiệm hiệu Chí Thành ở đường Cao Thắng.
Lúc ấy ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm có tiệm hớt tóc Tri Âm của anh Ba Thế là người đờn violon tài tử, thường có các nhạc sĩ, soạn giả và nghệ sĩ tới đờn ca vui chơi. Năm 1960, Nguyên Hạnh thường lui tới tiệm hớt tóc Tri Âm, được dịp làm quen với các nhạc sĩ và soạn giả, anh được họ dạy cho ca cổ nhạc để tham gia đờn ca tài tử trong tiệm hớt tóc Tri Âm.
Nguyên Hạnh ca thành thạo ba Nam, Sáu Bắc và vọng cổ. Tuy nhiên vì sự sống, ngày ngày anh vẫn tới giúp việc cho tiệm sửa xe gắn máy Chí Thành ở đường Cao Thắng.
Năm 1962, anh nhờ soạn giả Loan Thảo giới thiệu cho anh đi hát cải lương. Anh được nghệ sĩ Tám Vân thu vào Ban cải lương Vân Kiều trên Đài Truyền Hình và vai đầu tiên anh được tập cho hát là vai Hồ Quỳ trong tuồng “Anh Hùng Náo Tam Môn Giai”. Nguyên Hạnh cũng được giới thiệu hát trong các Đại Nhạc Hội tổ chức tại rạp Olympic và được sự tín nhiệm của các trưởng Ban Ban cải lương Đài Truyền Hình Saigon.
Nguyên Hạnh có khả năng diễn xuất đa dạng,anh có thể đóng các vai kép độc, lẵng, hài, vì vậy Nguyên Hạnh đã có mặt trong các show thu hình của Ban Kim Hoàng Như Mai, Ban cải lương Bích Thuận, Ban cải lương Vân Kiều, Ban kịch Phương Nam của Nguyễn Phương, Ban kịch Kim Cương, Ban kịch Sống Túy Hồng, Ban kịch Thẩm Thúy Hằng, Ban Vân Nam ( Anh Lân) và chương trình La Thoại Tân.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nghệ sĩ Nguyên Hạnh được nhiều người trong mọi giới biết đến nhờ anh được xuất hiện trên truyền hình. Hãng Cosunams phim mời anh thủ diễn một vai trong phim Loan Mắt Nhung. Hãng phim Mỹ Vân cũng mời anh thủ một vai trong phim Sau Giờ Giới Nghiêm.
Trong điạ hạt phim ành, Nguyên Hạnh gia nhập nhóm lồng tiếng của Hồng Phúc. Nhóm Hồng Phúc có nhiều diễn viên tài danh như Tú Trinh, La Thoại Tân, Kim Cúc, Minh Chánh, Lâm Hưng.
Nghệ sĩ Nguyên Hạnh đã lồng tiếng cho các phim Chân Trời Tím, Người Tình Không Chơn Dung, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Biển Động, Năm Vua Hề Về Làng, Hiệp Sĩ Bất Đắc Dĩ…
Nguyên Hạnh tham gia chương trình Truyền Hình Gia Đình ông Ký với 8 diễn viên: Tám Vân, Kim Cúc, Minh Chánh, Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Thanh Việt, Diễm Kiều, Ngọc Đức. Hề Thanh Việt trong vai Năm Giang Hồ một vai vui vẻ, thường say xỉn nhưng có lòng tốt. Nguyên Hạnh trong vai Tư Văn Nghệ, vui tính, hồn nhiên, trung thực và hay binh người thế cô.
| Danh Hài Nguyên Hạnh. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương. |
Sau năm 1975
Nguyên Hạnh gây được ấn tượng đậm đà trong khán giả truyền hình qua vai Tư Văn Nghệ nầy, đến nổi nhiều năm sau năm 1975, khán giả còn nhớ nhân vật Tư Văn Nghệ khi họ có dịp gặp lại nghệ sĩ Nguyên Hạnh.
Sau năm 1975, Nguyên Hạnh đi hát cho đoàn ca múa nhạc NGỌC GIAO – HOÀNG BIẾU của tỉnh Cần Thơ với các nghệ sĩ Tú Trinh, Diễm Kiều, Chế Linh, Nhật Trường, Anh Khoa, Duy Khánh, Nhật Thiên Lan, Giang Tử, Phương Đại, Thanh Việt, Tùng Lâm, Thanh Hoài…
Năm 1977, nghệ sĩ Nguyên Hạnh gia nhập Ban kịch nói Bông Hồng do nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng làm phó đoàn, phụ trách nghệ thuật, có các diễn viên Huỳnh Thanh Trà, Nguyễn Chánh Tín, Tú Trinh, Bạch Lan Thanh, Xuân Dung, và các ca sĩ Thanh Thúy, Lệ Thu, Anh Khoa, Băng Châu, dàn nhạc do nhạc sĩ Văn Phụng làm trưởng Ban nhạc.
Từ năm 1984 đến năm 1987, nghệ sĩ Nguyên Hạnh gia nhập đoàn hát cải lương đại ban của thành phố. Anh có mặt trong các vở tuồng: Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Pha Lê và Cát Bụi, Những vì sao không tên.
Từ năm 1987 đến năm 1990, Nguyên Hạnh hát hai vở tuồng Nợ Tình và Hàn Mạc Tử của soạn giả Viễn Chậu với các nghệ sĩ Vương Linh, Thoại Miêu, Hùng Minh, Kim Giác, Hoàng Giang, Linh Huệ, Thanh Hồng…
Từ năm 1990 Nguyên Hạnh cùng với hai nghệ sĩ Giang Thảo và Phương Hồng Yến lập nhóm Tam Ca Hài Ba Nụ Cười Xuân với nhạc cụ và bài hát giống như Ban AVT ngày xưa, đi biểu diễn nhiều tụ điểm văn hóa ở các quận huyện và hát ở các tỉnh miền Hậu Giang.
Nghệ sĩ Nguyên Hạnh đã có hơn bốn chục năm hành nghề trên sân khấu, anh đã hát qua nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, tấu hài, lồng tiếng phim, đóng phim nhựa và băng video, khi anh được hỏi anh thích trình diễn loại hình nghệ thuật nào.
Nguyên Hạnh cho biết là vì tình hình sân khấu bị thu hẹp dần, rạp hát cải lương ở Saigon chi còn có một rạp Hưng Đạo, tuồng tích thì ít có vở ăn khách như hồi xưa nên việc nghệ sĩ chúng tôi phải hát trích đoạn cải lương hay đi tấu hài, đó chỉ là một việc tạm thời, thích ứng với hoàn cảnh, chớ còn nếu được hát nguyên tuồng cải lương, nguyên một vở hài kịch dài thì chúng tôi vẫn thích hơn, vì đó mới là nghệ thuật sân khấu.
Còn tấu hài chỉ là đưa đến khán giả những nụ cười dễ dãi, mua vui chớ không thể có một nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc được.
Đối với những người nghệ sĩ tha thiết đến nghề hát như chúng tôi, ước muốn có nhiều rạp hát, có nhiều đoàn hát và nhiều tuồng hát để hành nghề và sinh sống là một ước muốn khó đạt được và quá xa vời trong tình hình sân khấu xuống dốc như hiện nay.
Sources: thanhnien |