Ngày Đăng: 02 Tháng 11 Năm 2010 Giờ thì hẳn soạn giả Nhị Kiều đã về bên chồng cùng hòa trọn bản tình ca như bà mong muốn và trong sự thương yêu của những ai biết đến tình yêu son sắt, bền chặt của bà.
1. Lúc 5 giờ 30 sáng 1-11, soạn giả cải lương Nhị Kiều đã qua đời, để lại nhiều tiếc thương và lòng mến yêu vì đến phút cuối cuộc đời bà vẫn sống chết với cải lương và tình yêu sắt son dành cho người chồng nghệ sĩ.
Nói đến soạn giả Nhị Kiều, không ai trong giới cải lương lại không nhắc luôn tên chồng bà thành một: Nhị Kiều - Tám Vân. Bởi từ năm 1954, khi chạy loạn từ Mỏ Cày, Bến Tre lên Sài Gòn, cô gái nhà quê Quản Thị Minh Nguyệt đã gặp anh kép hát Tám Vân qua vở tuồng Gió ngược chiều để yêu thương mà theo đuổi, gắn bó đến hết đời. Chính nghệ sĩ Tám Vân là người thầy đầu tiên và kéo dài đến suốt cả đời đã dạy cho vợ bài bản cải lương và truyền cho bà tình yêu bộ môn này để thành soạn giả nổi tiếng. Ký giả kịch trường Tần Nguyên cho biết bà Minh Nguyệt còn có một người chị Quản Thị Trúc Mai là vợ chủ báo Tiếng Chuông nổi tiếng. Cả hai chị em đều là nữ trí thức, học thức cao đương thời, cùng tham gia sáng tác thơ, tiểu thuyết trên các báo nên bà Minh Nguyệt dựa vào câu thơ chữ Hán “Đồng tước chung thân tỏa nhị kiều” nói đến hai nữ nhân nổi tiếng xinh đẹp thời Tam quốc làm bút danh Nhị Kiều.
Được chồng hướng dẫn vào nghề viết tuồng cải lương, Nhị Kiều còn nổi tiếng với các các bút hiệu khác: Cô Nguyệt, Hoàng Thị Nguyệt. Năm 1959, bà được nghệ sĩ Phùng Há giới thiệu với bà bầu Thơ và trở thành một trong những soạn giả viết chính cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga lúc ấy. Tác phẩm của bà còn được nhiều đoàn cải lương đại bang và những ban kịch tên tuổi như Dạ Lý Hương, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng… ưa chuộng sử dụng. Theo soạn giả Nguyễn Phương: “Văn chương của soạn giả Nhị Kiều nhiều nữ tính, nhẹ nhàng. Ngay cả trong những đoạn gay cấn nhất, cần có những lời nói cay độc, hung hăng để đẩy kịch tính lên cao trào thì lời văn của Nhị Kiều vẫn nhẹ nhàng, nói như một lời trách móc. Bù lại, những đoạn tả tình của vai nữ đối với người yêu thì đúng là giọng nói, cách nói của một cô gái đang yêu, khao khát tình yêu. Chuyện tuồng phần lớn được xây dựng một mạch, có đầu có đuôi như tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh”.
Soạn giả Hoàng Song Việt (bìa trái)và nghệ sĩ Út Bạch Lan (bìa phải)đến thăm vợ chồng soạn giả Nhị Kiều và nghệ sĩ Tám Vân lúc còn sinh thời. (Ảnh do gia đình cung cấp)
2. Cả đời bà sống và nuôi gia đình bằng nghề viết nên có đến cả trăm vở tuồng. Song sự nghiệp của bà lại có đặc điểm là thường viết chung kịch bản với các soạn giả khác (phần đông là những tên tuổi lớn), còn nếu viết riêng thì bà phóng tác theo tiểu thuyết hay chuyển thể tác phẩm của tác giả khác. Chỉ ở thập niên 1990, bà mới bắt đầu sáng tác độc lập nhiều. Giai đoạn này nhiều đoàn cải lương khắp miền Nam, cả các hãng băng đĩa video cải lương trong và ngoài nước đều trông cậy vào bà để có nguồn kịch bản mới cho hoạt động của họ.
Điểm lại những vở tuồng được khán giả nhớ và yêu thích hàng mấy mươi năm, với soạn giả Hoa Phượng, bà viết chung: Khói sóng tiêu tương, Tấm lòng của biển… Với soạn giả Nguyễn Phương: Hoa đồng cỏ nội, Phụng Kiều Lý Đáng, Đợi ánh bình minh… Với soạn giả Thế Châu: Qua cầu đắng cay, Mùa thu lá bay, Tình anh Bảy Chà, Cánh chim bạt gió… Với Nguyên Đạt: Đường về Vạn Kiếp, Mạnh Lệ Quân… Với Hoàng Lan:Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Sở Vân… Những tác phẩm bà chuyển thể, phóng tác nổi tiếng gồm: Nắng sớm mưa chiều, Trắng hoa mai, Truyền thuyết tình yêu, Thương nhớ một mình, Bảy mùa mai nở…
3. Sự nghiệp và tên tuổi như thế, song vào cuối đời gia đình bà không tránh khỏi cảnh sống khó khăn. Một mình bà, dù đã ở tuổi hơn 80 vẫn dùng ngòi viết (viết tuồng, chập cải lương ngắn, bài ca cổ… theo đơn đặt hàng) để mưu sinh, lo cho cả gia đình và chăm cho nghệ sĩ Tám Vân đã lâm cơn bệnh nặng nằm một chỗ. Chỉ có 2-3 tháng nay, khi đã ở tuổi 90 và suy yếu phải nhập viện, bà mới buông bút. Vậy nhưng có lúc để có tiền lo cho bệnh tình của chồng, bà phải tìm đến nghệ sĩ Thanh Sang vì biết ông ham đọc sách, đánh tiếng bán chỗ sách vở quý là gia sản cuối cùng sót lại. Nhớ lại chuyện này, giọng nghệ sĩ Thanh Sang ngậm ngùi: “Tôi quý ông bà là người có tiếng, có công với cải lương nên khi có thể thì giúp đỡ chứ đâu nỡ lấy sách làm gì. Chỉ thương cho nhiều nghệ sĩ tài năng, cả một đời sống chết với nghề, cuối đời phải sống khổ”.
Riêng nghệ sĩ Bạch Tuyết, người luôn xem nghệ sĩ Tám Vân như người thầy của mình và vẫn thường gắn bó, quan tâm đến vợ chồng nghệ sĩ Tám Vân - Nhị Kiều, đã là nghệ sĩ đầu tiên có mặt khi nghe tin soạn giả Nhị Kiều mất. Nghệ sĩ Bạch Tuyết xúc động: “Ông bà là hai người đặc biệt của cải lương. Ông là người nghệ sĩ rành bài bản cải lương nhất. Bà không chỉ là phụ nữ trí thức, viết tuồng giỏi mà còn là một phụ nữ sống hết mình vì tình yêu. Ông bà là hai người bạn đời mà cũng là một đôi tri âm tri kỷ đẹp đẽ của cải lương. Tôi không thể nào quên ấn tượng về bài thơ bà làm khi ông mất”.
Bài thơ của soạn giả Nhị Kiều làm cho chồng mà nghệ sĩ Bạch Tuyết nhắc đến có đoạn: “Ngồi bên mồ tôi gọi mãi tên anh. Tám Vân ơi! Hãy theo em về nơi tổ ấm. Người và ma sẽ cùng nhau chung sống. Sẽ cùng nhau viết trọn bản tình ca”. Giờ thì hẳn soạn giả Nhị Kiều đã về bên chồng cùng hòa trọn bản tình ca như bà mong muốn và trong sự thương yêu của những ai biết đến tình yêu son sắt, bền chặt của bà.
HÒA BÌNH
Sources: baomoi |