Ngày Đăng: 13 Tháng 06 Năm 2011 Có thể nói NS Cẩm Tiên tiến nhanh trên con đường sự nghiệp là nhờ có giọng ca vàng. Các yếu tố như sắc vóc, diễn xuất so với các NS ngôi sao khác chỉ ở mức độ trung bình. Với chất giọng đồng thiên phú, chất giọng rất hiếm ở các giọng ca nữ, trước đây chỉ có đệ nhất danh ca Thanh Hương có chất giọng này. Khi mới vào nghề Cẩm Tiên mang chất giọng kim, ca cao, ngọt, êm, trong trẻo nhưng chưa định hình, càng về sau khi có nhiều kinh nghiệm, chất giọng phát triển dày hơn, độ ấm, vang, khỏe khoắn hơn thể hiện một nội lực sung mãn.
Cẩm Tiên là một trong 3 danh ca nữ ca vọng cổ dài hơi hay nhất, đạt đến trình độ thượng thừa, có thể vô một câu vọng cổ dài khoảng 45 giây, thường ca trong lòng câu một hơi tròn 16 đến 20 nhịp (hai đàn chị của cô là Linh Huệ, Phượng Hằng).Trong thập niên 90, chưa có kỹ thuật nối hơi bằng các phần mềm xử lý âm thanh hiện đại, nên khi ca hơi dài họ phải ca bằng hơi thiệt. Khi Linh Huệ nổi tiếng trở thành một ngôi sao thì Cẩm Tiên còn đi học. Khi Phượng Hằng cùng Châu Thanh tung hoành trên sân khấu thì Cẩm Tiên mới xin vào đòan học hát. Cẩm Tiên nổi tiếng rất nhanh trên mặt băng dĩa hát. Chưa đầy 3 năm (từ 18 đến 21 tuổi) đã trở thành ngôi sao trẻ sáng giá, chỉ với vai Lan trong vở Ánh Sáng Phù Du, Thủy Tiên trong Lệnh Truy Nã, Cẩm Tiên đàng hoàng được trong giới xếp hạng danh ca. Hãng dĩa Việt Nam không ngần ngại ký độc quyền, đây là thời điểm rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Cẩm Tiên. Cái bóng của Linh Huệ, Phượng Hằng quá lớn, lại cùng ca hơi dài, mặt nào đó Cẩm Tiên bất lợi khi đứng cạnh hai đàn chị (hát nhì sau Linh Huệ ở VAFACO, hát nhì sau Phượng Hằng ở đòan Trung Hiếu), nhưng Cẩm Tiên biết chọn cho mình con đường riêng, chỉ một thời gian ngắn đã khẳng định vị trí vững chắc song hành cùng các bậc đàn chị, hát chánh đoàn Thanh Nga, đoàn 2 NHTHT, đoàn Văn Công TP, đoạt HCV giải THT năm 1995.
Cẩm Tiên có năng khiếu bẩm sinh, không hề được dạy học nhịp, học bài bản, nghe anh và ba mẹ đàn ca, ca theo mà thành nghề. Cẩm Tiên không biết tên bài bản nhưng nghe đàn là biết ca, khi ca không sắp nhịp sẵn, dựa theo đờn mà ca, bay lượn trên nhịp đàn. Cẩm Tiên ca rất chắc nhịp, có lối sắp nhịp rất riêng không giống ai. Ca như không cần nhịp, không sợ đờn phá phách, nhịp đã nằm sẳn trong tim. Cẩm Tiên không hề bắt chước một giọng ca nữ nào, dù cô thần tượng giọng ca mùi của NS Phượng Liên. Cẩm Tiên có cách rèn luyện khác người, là nghiên cứu cách ca của các nam danh ca. Thần tượng giọng ca Thanh Tuấn, Linh Vương, Châu Thanh. Nghiên cứu cách sắp nhịp và luyến dấu sắc của Thanh Tuấn, cách vô hơi dài của Linh Vương, cách lạng bẻ của Châu Thanh, vì vậy Cẩm Tiên ca nghe lạ, vừa rất dài hơi, vứa rõ lời, đồng thời vẫn giữ được độ cảm, độ mùi. Nghe Cẩm Tiên ca dài hơi không bị sốc. Cho nên sau này có nhiều giọng ca nữ trẻ chịu ảnh hưởng giọng ca Cẩm Tiên. Cho tới ngày nay Cẩm Tiên, Châu Thanh, Phượng Hằng, Linh Vương, Linh Huệ, Vương Linh là 5 giọng ca dài hôi tiêu biểu nhất thuộc trường phái ca hơi dài sau 75, chưa có người thay thế xứng đáng.
Ngoài ưu thế ca hơi dài, giọng ca Cẩm Tiên rất mùi, âm vực rộng, nhẹ êm, sâu lắng, rất tự nhiên không bị gò ép, cố tạo. Giọng ca Cẩm Tiên không kén đối tượng hát song ca. Từ Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Minh Vương, Châu Thah, Vũ Linh, Vũ Luân, Kim Tử Long, Vương Linh, Linh Vương, trọng Hữu, Trọng Phúc… Ca chân phương, ca hơi dài, ca hài Cẩm Tiên đều có cách thể hiện rất phù hợp, ăn ý đạt hiệu quả rất cao. Nhưng để chọn bạn diễn ăn ý nhất, độc đáo nhất thì NS Minh Vương mới là người rất hợp, đã nâng Cẩm Tiên lên tầm cao mới, hoàn chỉnh trình độ diễn xuất.
Giọng Cẩm Tiên dễ lấn át các giọng yếu hơn, mỏng hơn, vì vậy mà rất hợp với giọng Minh Vương. Đều là chất giọng đồng nên khi hát chung họ tạo nên một sắc thái mới bổ sung cho nhau, tạo nên nét thanh xuân cho nhau, Minh Vương trẻ trung hơn, Cẩm Tiên đằm thắm, dịu dàng hơn. Khi Cẩm Tiên hát với Châu Thanh cũng rất hay, nhưng hiệu quả thì không bằng Phượng Hằng, với Vũ Linh thì rất hợp khi thu thanh, với Trọng Hữu thì không hợp lắm vì chất giọng khác nhau, phong cách ca trái ngược, chưa phải là liên danh hay. Khán giả thường hay ghép đôi khi nhắc tới nữ NS ca dài hơi Phượng Hằng – Cẩm Tiên. Không thể phủ nhận tác động của Phượng Hằng đến nghệ thuật ca vọng cổ của Cẩm Tiên, nương theo con đường Phượng Hằng vạch ra, từ đó kết hợp với chất giọng tự nhiên của mình mà Cẩm Tiên tìm hướng đi khác, chừng như đối lập, lại rất tương tác, hòa quyện nhau. Phượng Hằng như sơn ca, Cẩm Tiên như họa mi, Phượng Hằng lá nốt cao, Cẩm Tiên là nốt trầm. Giữa họ có gì đó giống như Mỹ Châu, Lệ Thủy ngày nào, một sự nối tiếp rồi sánh vai nhau cống hiến cho cải lương một cách ca vọng cổ có nhiều sáng tạo, mới mẻ, phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ.
Ưu thế trong cách ca vọng cổ, những bài óan, những lớp diễn tự sự, độc thọai cần lối nối ngân nga, rời từ từ như chiếc lá bay êm. Giọng ca là ưu điểm bật nhất, nổi trội, khác thường, buộc người nghe chú ý. Cải lương ngày nay rất cần những giọng ca như Cẩm Tiên. Ca như vậy mới xứng là danh ca bật nhất.
Ở độ tuổi 18 – 20 ngày nay một số giọng ca nữ hay chưa đạt trình độ như Phượng Hằng, Cẩm Tiên thời độ tuổi ấy. Diễn có thể đào tạo, trui rèn qua thời gian, còn ca cần chất giọng thiên phú, bẩm sinh. Một số giọng ca trẻ không cố công rèn luyện kỹ thuật điêu luyện, lại học đòi gian trá, dùng kỹ xảo âm thanh lừa gạt khán giả bằng cách hát nhép. Hát như vậy SKCL bao giờ mới có những danh ca trẻ thượng hạng?
Sự nổi tiếng của Cẩm Tiên là cả một quá trình phấn đấu, học hỏi, chịu đựng, phải tìm những sáng tạo riêng giữa những danh ca đang thời sung sức. Và hơn thế là tìm ra cách ca mới, khác hơn nhưng vẫn rất hay, rất nghệ thuật, vừa đóng góp chung cho nền sân khấu ca kịch của nước nhà, vừa làm thứ đặc sản riêng của mình. Các giọng ca trẻ hãy cố lên.
Tác giả bài viết: Việt Khang
Sources: dacohoailang |
|
|