Ngày Đăng: 14 Tháng 01 Năm 2015 Một thế hệ nghệ sĩ tài danh như Thanh Sang, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Minh Vương, Lệ Thủy... mà chỉ cần cất giọng ngọt như mía lùi là khán giả mềm lòng.
Những đêm diễn sáng đuốc sáng đèn, bà con quần cao ống thấp hồ hởi chèo xuồng, bấm bùn sình kéo tới. Từng tuồng tích cải lương cổ trang hay tân thời gắn với tâm tư rất đời, rất thật, gần gũi với đời sống mộc mạc chân lấm tay bùn.
| Vở diễn Tiếng trống Mê Linh một thời làm say lòng bao thế hệ khán giả thích cải lương. Ảnh: Tư liệu |
Không ai mặc định cải lương là chỉ thuộc về giới bình dân nhưng rõ ràng trong đời sống của giới bình dân, cải lương sống đúng cái hồn của mình hơn. Và cũng không ai có thể khẳng định diễn cải lương cho người giàu xem, bán vé với giá bạc triệu là sai.
Nhưng việc các bầu show, các nghệ sĩ có tiếng tăm đứng ra tổ chức các đêm hát với những tên tuổi thần tượng mà những bà má nghèo, những chị Hai, anh Tư buôn gánh bán bưng mới nghe đã nức lòng nức dạ, nhưng nghe tới giá vé lại bủn rủn chân tay, hoặc cố gắng lắm cũng chắt bóp được đủ tiền mua tấm vé hạng bét để chen chân vào khán phòng ngồi ở một chỗ xa tít, hoặc đứng lấp ló ở đâu đó để ngóng lên những thần tượng của mình... thì hỏi những nghệ sĩ có lòng với khán giả, nhìn tình cảnh đó có thấy đau lòng không?
Các ông bà bầu show có thể vặn lại, đâu ai bắt quí vị phải mua vé coi show đẳng cấp, show hoành tráng của tôi. Không đủ tiền thì cứ đi coi mấy đêm hát dành cho khán giả bình dân ở nhà hát Trần Hữu Trang, nhà hát Trần Hưng Đạo, ở các sân khấu bình dân, ở đình chùa miếu mạo thiếu gì!
Nhưng khổ nỗi mấy chỗ này một năm sáng đèn được mấy đêm? Và rồi nếu cải lương bây giờ phát triển theo xu hướng ngày càng có nhiều show tiền tỉ, khán giả muốn coi phải cầm bạc triệu trong tay trong khi cải lương dành cho số đông công chúng thì ngày càng teo tóp, èo uột thì liệu có ổn không?
Bằng chứng là có ông bầu chấp nhận bỏ tâm sức làm một nhà hát để nghệ sĩ có nơi có chỗ đàng hoàng hát cho bà con coi thì họ lại chẳng thèm vào hát mà chỉ đi hát cho đám ma đám cưới bởi mức cát xê cao hơn. Thái độ làm nghề chạy theo đồng tiền, lạnh lùng với công chúng bình dân như thế thì có tử tế không? Tôi hiểu toàn bộ nội dung trong bài viết của tác giả Tâm Khanh nói gần nói xa chẳng qua chỉ có vậy.
Má tôi lâu lâu từ quê Cà Mau lên Sài Gòn ở chơi nhà con cháu, muốn đi coi hát mà nhìn giá vé lại thấy áy náy với con cháu. Mà nỗi thèm thuồng, áy náy rất đáng thương này là tại vì đâu? Vì lỗi của chúng tôi, ai biểu chúng tôi nằm trong số đông khán giả bình dân chăng?
Những nghệ sĩ tài danh, bản thân họ và khán giả đều biết hát cải lương không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp, nghiệp của những con tằm nhả tơ, làm kiếp tằm thì phải nhả tơ cho đời. Cho nên, hễ ở đâu cần lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ là họ hát. Ai lắng nghe thì đều là khán giả thân thương của họ, không phân biệt giàu nghèo.
Tiếng hát của họ ở sân bãi, mái đình, ở nhà hát Trần Hưng Đạo so với tiếng hát của họ ở các show tiền tỉ không hề có gì khác nhau. Và chắc chắn, nếu không tin thì đi hỏi các nghệ sĩ tài danh, rằng họ hát không vì mức cát xê ở đây thấp, ở kia cao. Hát chỉ vì được hát, thế thôi.
Việc họ hát ở các live show tiền tỉ do đó cũng là bình thường. Bài viết của tác giả Tâm Khanh chỉ nói đến xu hướng bất ổn ở những người làm show, những người nhân danh là nghệ sĩ yêu nghề, yêu cải lương, có truyền thống 5-7 đời theo nghiệp tổ gì đó mà chỉ quan tâm đến việc đứng ra tổ chức những show diễn tiền tỉ, chứ bài viết không đả động gì đến những nghệ sĩ tài danh đứng hát trên sân khấu. Như vậy, đạo diễn Hoa Hạ đã có sự nhầm lẫn khi nói bài viết xúc phạm những nghệ sĩ tài danh.
Là một khán giả mộ điệu cải lương, tôi xót xa khi phải đến lúc người trong nghề, đạo diễn tên tuổi hay nghệ sĩ nhân danh 5-7 đời theo nghiệp tổ chỉ vì tự ái rồi nhảy dựng lên trước phản ánh của báo chí mà không nhìn vào toàn cảnh, vào thực trạng cải lương hiện nay để mà lo lắng, hành động. Tâm tư rất đáng suy ngẫm của những người còn nặng lòng với giá trị cốt lõi, với hậu vận của cải lương như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn: “Các nghệ sĩ cải lương, nhất là các bạn nghệ sĩ trẻ nếu không chịu hy sinh bỏ bớt show, không chịu đồng cam cộng khổ nhận mức cát sê như bên kịch nói để bám trụ sân khấu thì làm sao có một sân khấu cải lương đích thực” chắc là quí vị bỏ ngoài tai?
Những người làm show cải lương tiền tỉ, những đạo diễn cải lương, trước khi phản ứng với phản ánh trung thực của báo chí, xin làm ơn đặt mình vào vị trí số đông khán giả bình dân vốn là đối tượng mà vì đó bao lớp nghệ sĩ tài danh đã đem tài năng, nụ cười và nước mắt hy sinh, phấn đấu và phục vụ họ! Trước khi tranh cãi chuyện tiền bạc, hay xác định có ai đó xúc phạm hay không xúc phạm mình hay không, thì làm ơn soi lại lương tâm của một người sống vì nghiệp tổ, mình đã suy nghĩ và hành động gì cho hậu vận của cải lương nói chung hay chưa?
Lời sau cùng, khán giả như tôi chán chường những cuộc tranh luận kiểu này. Điều tôi quan tâm là bất ngờ có một Chủ nhật, má tôi từ quê lên Sài Gòn chơi, tôi làm thế nào để kiếm sân khấu có Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy... hát bằng xương bằng thịt đưa má đi coi. Nếu kiếm không ra thì làm sao tôi giấu nhẹm hai tấm vé ngót nghét 2 triệu bạc cho má con tôi (vì chẳng lẽ tôi đưa má tôi tới nhà hát coi một mình thì tội bà già quá?!), gần bằng nửa tháng lương của tên công chức như tôi, để coi live show tiền tỉ của những Vũ Linh, Kim Tử Long, Gia Bảo tổ chức...
Ráng bấm bụng nói dối má cho ngọt mới được!
Sources: phapluattp |