Ngày Đăng: 05 Tháng 03 Năm 2014 Từ đỉnh cao danh vọng của một “đào nữ” tài hoa được hàng triệu khán giả mến mộ, nghệ sĩ Phượng Liên từ bỏ tất cả để sống một cuộc sống lặng lẽ nơi xứ người. Có lúc bà trở về đúng nguyên mẫu của một phụ nữ bình dân, hài lòng với vai trò người nội trợ. Dù vậy, thi thoảng bà nhớ sân khấu da diết và cô đơn như chú chim lạc tổ…
Từ thập niên 60 đến đầu thập niên 90, cái tên Phượng Liên được xếp vào hàng ngôi sao của sân khấu cải lương. Nhưng đã quá lâu rồi cô không còn hát ở trong nước nên nhiều người của thế hệ 9x không biết Phượng Liên là ai. Có khi nào cô hoài niệm về những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề đến khi thành danh?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Tôi sinh ra ở Cần Thơ, miền đất rất gần với cái nôi của đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Cha mất sớm tôi sống với mẹ trong hoàn cảnh nghèo. 10 tuổi tôi đã biết phụ người lớn để kiếm tiền độ nhật. Những lúc rảnh rỗi tôi nghe cải lương trên đài phát thanh, cũng như ở máy hát phát ra từ nhà hàng xóm. Tôi say mê đến mức thuộc rất nhiều bài hát của danh ca Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Thành Được... Niềm đam mê nghệ thuật ngày càng lớn dần đến năm 13 tuổi, tôi đăng ký tham gia Ban văn nghệ Tây Đô trong vai trò ca sĩ tân nhạc và diễn viên kịch. Một lần nghe tôi ca vọng cổ, nghệ sĩ Phước Hậu đã khuyên tôi theo cải lương.
Nhờ có tiếng hát trời phú nên tôi có cơ hội đầu quân về đoàn Tinh Hoa. Từ đây, tôi được thế hệ đi trước chỉ dạy khả năng ca diễn một cách kỹ lưỡng. 18 tuổi tôi đã được hát chính cho đoàn lớn Dạ Lý Hương. Tại đây tôi nổi danh với vai Liễu trong vở Lấy chồng xứ lạ. Sau này tôi còn được khán giả yêu mến qua rất nhiều vai, trong đó có Mạnh Lệ Quân trong vở Mạnh Lệ Quân, vai Thị Hến trong vở Thị Hến.
Đang là một trong những ngôi sao lớn của cải lương vì sao cô từ bỏ danh vọng để định cư tại một nơi rất xa vùng đất sản sinh ra bộ môn nghệ thuật này, thưa cô?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Những năm 70 đến 90, theo tôi biết Việt Nam có khoảng 30 đoàn cải lương lớn nhỏ, thế mà có ngày chúng tôi phải hát hai, ba suất. Rạp Hưng Đạo lúc nào cũng đông nghẹt khán giả đến thưởng thức những tài danh của cải lương như: Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu… Cho dù một số nghệ sĩ lớn đã mất, người khác xuất cảnh nhưng thế hệ tài năng tiếp nối cũng khiến khán giả say mê như Vũ Linh, Châu Thanh, Phượng Hằng, Phương Hồng Thủy… Nhưng chẳng hiểu sao, sau đó tất cả rơi vào khủng hoảng một cách kỳ lạ. Cũng những ngôi sao ấy trình diễn nhưng sân khấu thưa vắng người xem đến nao lòng. Tôi cảm thấy mình như con chim không còn khu vườn lý tưởng để cất tiếng hót. Ngoài ra, hoàn cảnh lúc đó buộc tôi phải xuất cảnh, tôi đã chọn cách tốt nhất để bảo toàn hạnh phúc gia đình.
| Nghệ sĩ Phượng Liên thời trẻ khi còn là ngôi sao của các sân khấu cải lương |
Đã nhiều năm sống trong vị thế của một ngôi sao được nhiều người tôn trọng và phục vụ, cuộc sống của cô thế nào vào những ngày đầu đặt chân đến Mỹ?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Nước Mỹ quá rộng lớn và tập trung rất nhiều tài năng trên thế giới tụ về nên tôi đã xác định mình không là gì cả ở quốc gia siêu cường đó. Tôi chuẩn bị tâm lý để quên mình là ai trước đây. Những ngày đầu tôi nhận hàng may mặc về gia công tại nhà, thời gian rảnh tôi còn đi bán hàng cho các cửa hàng của người Việt. Tôi trải qua một cuộc sống bình lặng trong vai trò mới, dù vậy, có lúc quá thèm được hát tôi cảm giác như ai đó bóp nghẹn cổ họng của mình. Những lúc nhớ sân khấu da diết, người đàn bà ngoài 40 tuổi trong tôi đã hát nghêu ngao trong nhà tắm như cô bé mới lớn. Đó là cách duy nhất tôi có thể làm để vơi đi nỗi cô đơn của riêng mình.
Những lúc như thế cô có nhớ Việt Nam cùng một sự tiếc nuối nào chăng, bởi vì, nếu ở lại, dù khó khăn nhưng cô vẫn còn cơ hội được hát?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Bất cứ một người con xa xứ nào cũng nhớ về quê hương của mình. Tôi cũng vậy. Sau những giờ làm việc vất vả, thi thoảng tôi hồi tưởng về những gì êm ả nhất mình từng được có. Rồi tôi tranh thủ về thăm nhà. Lúc đó, tôi được biết vài anh em nghệ sĩ cải lương phải hát trong quán rượu để mưu sinh. Tôi nghĩ cơ hội được hát ở quê nhà không còn. Tôi càng đau đớn hơn. Đáng buồn hơn nữa là Sài Gòn trở nên quá ồn ào. Trở về Mỹ, tôi không thôi hoài niệm về những góc phố rất yên tĩnh và thi vị của Sài Gòn trước kia, thời điểm mà tôi vẫn còn sinh sống và cải lương trong giai đoạn hoàng kim.
Đúng là không gì có thể gọi là buồn hơn khi người nghệ sĩ không còn cơ hội được cất tiếng hát, tuy nhiên, được biết rằng sau này cô đã có dịp trở lại với nghề trên đất Mỹ?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Thời kỳ tôi mới qua Mỹ, lực lượng nghệ sĩ cải lương còn ít lắm nên không ai đứng ra tổ chức. Sau này, tôi có dịp được tham gia chương trình Thanh âm triều mến do nghệ sĩ Chí Tâm tổ chức. Đây là chương trình định kỳ hằng tháng bao gồm hát trích đoạn và tuồng dài rất được bà con kiều bào ủng hộ. Nhưng vì mâu thuẫn nội bộ nên đã đứt đoạn sau hai năm tồn tại. Sau đó, nghệ sĩ đàn em Mai Thế Hiệp mời tôi tham gia chương trình cải lương trên đài phát thanh chủ đề Cổ nhạc tinh hoa. Dạo gần đây Mai Thế Hiệp hay về Việt Nam nên giao lại cho một người khác quản lý, vì thế tôi cũng cộng tác ít đi. Dẫu sao việc được hát trở lại giúp tôi như cây khô được tưới nước và hồi sinh.
Điều đáng mừng là tôi đã có cơ hội đứng ra tổ chức nhiều chương trình lớn và gây được tiếng vang trong cộng đồng như Live show 40 năm và live show 50 năm ca hát của Phượng Liên. Năm 2012, tôi tổ chức chương trình Nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên của nghệ sĩ Viễn Châu, song hành việc thu hình. Album này sẽ đến tay khán giả trong năm 2014.
Cô phải chấp nhận làm những công việc phổ thông để mưu sinh, thế thì, kinh phí tổ chức các chương trình kể trên đến từ đâu, thưa cô?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Bạn biết không, hầu hết chương trình do tôi tổ chức đều lỗ vốn mà tiền đầu tư được trích ra từ tiền tiết kiệm của cá nhân tôi. Tôi ngại ngùng khi phải đi xin tài trợ từ một ai đó để thực hiện một chương trình nghệ thuật thuần túy tinh thần. Cũng may ở Mỹ, mọi người có thể xài tiền trước theo thẻ ngân hàng và trả dần dần. Tôi đã cống hiến cho cải lương theo cách như thế. Tôi dấn thân vào cải lương để thỏa mãn niềm đam mê ca diễn và đồng thời muốn góp sức duy trì giá trị văn hóa dân tộc. Tôi không dám tính toán thiệt hơn.
Theo quan sát của mình, cô nhận thấy tương lai của cải lương ở hải ngoại thế nào?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Đến hiện tại, không chỉ riêng ở hải ngoại mà cả trong nước cải lương đang trong tình trạng tre đã già mà măng chưa mọc mạnh. Ngày xưa lực lượng tài năng đông đảo còn bây giờ thưa thớt quá. Điều may mắn còn lại là cải lương vẫn còn một lực lượng người hâm mộ rộng lớn. Tôi hy vọng họ chính là động lực để thế hệ trẻ cố gắng hơn để đền đáp sự kỳ vọng của công chúng.
| Nghệ sĩ Phượng Liên và nghệ sĩ Thanh Sang trong vở Bên cầu dệt lụa |
Cô đã được nghệ sĩ Bảo Quốc tin tưởng mời hát vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa và vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh. Đây là hai vai diễn mà nghệ sĩ Thang Nga gặt hái được thành công. Cảm giác của cô thế nào ?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Đã 7 năm rồi tôi không trở về Việt Nam. Lý do là vì tôi bị bệnh cao huyết áp nên việc đi lại không tiện. Lần này tôi quyết tâm về để làm lễ sinh nhật lần thứ 91 của mẹ tôi chứ không chuẩn bị cho việc ca diễn. Nhận lời mời của Bảo Quốc tôi rất bất ngờ vì không nghĩ mình sẽ đảm nhiệm vai diễn quá thành công của chị Thanh Nga. Thú thật tôi bị áp lực đến mất ngủ. Ngược lại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì lâu rồi mình mới được diễn trên quê hương, trong một chương trình quá quy mô thế này.
Sau chuyến trở về Việt Nam lần này, cuộc sống của cô có thay đổi hay vẫn như những gì đã diễn ra suốt 21 năm qua?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Tôi sẽ trở lại Mỹ và an phận với những gì mình có. Trong ngôi nhà của tôi có vườn cây rộng lớn rất yên tĩnh cùng một bàn thờ Phật. Tôi đã bước vào tuổi 68, gần thất thập rồi nên sự tĩnh lặng phù hợp với tôi hơn. Tôi sẽ hạnh phúc nếu thỉnh thoảng được mời ca hát, hay có đủ tài lực và con người để tổ chức những chương trình thật sự có ý nghĩa.
Cảm ơn cô về buổi trò chuyện và chúc cô luôn viên mãn với cuộc sống!
Bài và ảnh: Nguyễn Huy
Sources: baomoi |