Ngày Đăng: 15 Tháng 12 Năm 2008 Thưa quý thính giả, trong nghề hát cải lương, các nghệ sĩ tin tưởng có Tổ Nghiệp, nghệ sĩ nào được Tổ đãi thì hát mau nổi danh, có nhiều khán giả ái mộ, khi xuất hiện trên sân khấu thì duyên dáng lạ thường, sắc đẹp quyến rũ dù cho ngoài đời người đó không đẹp, mặt rỗ hoa mè.
Nhưng khi màn nhung kéo lên, dưới ánh đèn sân khấu chói chan, người nghệ sĩ được Tổ đãi bước ra giữa sàn diễn thì sẽ ngời ánh hào quang, sẽ thu hút sự chú ý yêu thích của khán giả như có sức hút của thỏi nam châm khổng lồ. Trái lại người nghệ sĩ không được Tổ đãi thì sẽ muôn phần kém may mắn.
Không được Tổ đãi
Cùng có một giọng ca chân phương, giọng ca mạnh mẽ, cách ca mạch lạc, đôn hậu như nhau nhưng danh ca vọng cổ Út Trà Ôn được nổi danh là vua vọng cổ, nhanh chóng gặt hái danh vọng lẫn tiền tài. Còn nghệ sĩ Phương Quang, trẻ hơn, giọng ca lối ca giống như Út Trà Ôn, nhưng nghệ sĩ Phương Quang không được hưởng lộc Tổ nhiều như nghệ sĩ Út Trà Ôn tuy rằng nghệ sĩ Phương Quang cũng có tài năng và cũng gặt hái thành công trên sân khấu đoàn Kim Chưởng.
Nghệ sĩ Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sanh năm 1947, con trai lớn trong một gia đình có 6 anh em. Cha mẹ làm nghề nông ở tỉnh Bình Dương tức tỉnh Thủ Dầu Một cũ.
Như mọi người dân miền Nam ở đồng ruộng, em Quang thích cải lương. Quê em ở Dĩ An có người nhạc sĩ guitare Tư Còn, cha đẻ của lối đờn vọng cổ với giây Ngân Giang nên ở quê em, phong trào đờn ca tài tử lên cao. Trong thôn xóm thường tổ chức đờn ca tài tử sau những vụ trúng mùa lúa, mùa trái cây hoặc trong những dịp quan, hôn, tang, tế hay ngày tết ngày lễ. Em Quang học ca cổ nhạc, tham gia các cuộc đờn ca tài tử và em cũng là một cầu thủ đá banh giỏi của đội banh địa phương.
Giọng ca khoẻ khoắn chân phương, mang âm hưởng "Út Trà Ôn"
Năm 1962, nhân nghe có đoàn hát Kinh Thành tuyển diễn viên ở đường Lê Văn Duyệt, em Quang vào dự thi. Soạn giả Điêu Huyền là giám khảo, chấm giọng ca khoẻ khoắn và chân phương của em Quang trong số hàng trăm thí sinh đến dự tuyển.
Soạn giả Điêu Huyền đặt cho em Tô Văn Quang nghệ danh là Phương Nam. Đêm Noel 1962, đoàn Kinh Thành khai trương vở tuồng “Cánh Nhạn Phương Trời”. Đây là vở hát đầu tiên của nghệ sĩ Phương Quang với vai An Phong.
Đoàn hát Kinh Thành khai trương không lâu, không hiểu sao lại chuyển qua cho nghệ sĩ Tuấn Kiệt làm chủ, đổi bảng hiệu lại là đoàn hát Tuấn Kiệt, nghệ sĩ Phương Quang đóng một vai quan trọng trong tuồng “Lặng Sóng Trùng Dương”. Đoàn Tuấn Kiệt khai trương tuồng mới ở rạp Viễn Trường tỉnh Mỹ Tho, sau đó đoàn lưu diễn các tỉnh miền Hậu Giang.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn, bầu gánh hát Thống Nhứt - Út Trà Ôn khám phá giọng ca của Phương Quang giống với lối ca của ông nên ông ký contrat 300.000 đồng mời Phương Quang về cộng tác trong ba năm. Ý định của anh Út Trà Ôn là yêu cầu soạn giả Thiếu Linh sáng tác một vở tuồng dưới hình thức như một người thay hồn đổi xác. Cùng giọng nói, cùng giọng ca nhưng dưới hai thể xác khác nhau để đề cặp đến một mối tình do luân hồi chuyển kiếp tạo ra. Anh Mười Út có sáng kiến khai thác hai giọng ca vọng cổ chân phương: Giọng ca của Út Trà Ôn và giọng ca của nghệ sĩ Phương Quang. Vở tuồng “Trăng Lên Ngoài Cửa Ngục” của Thiếu Linh đã gây xôn xao dư luận trước sức hút của hai giọng ca tuyệt vời Út Trà Ôn và Phương Quang. Báo chí kịch trường xác nhận Phương Quang không phải là phiên bản của giọng ca Út Trà Ôn mà là một hòn ngọc còn ẩn trong đá. Nếu được dồi mài hẳn sẽ rực sáng hơn lên. Lời ngợi khen của báo kịch trường đem lại thêm rất nhiều khán giả đến xem đoàn hát Thống Nhứt của Út Trà Ôn nhưng lợi nhuận đó chỉ làm cho anh thêm điên đầu vì bầu gánh Kim Chưởng sau khi xem Phương Quang hát, đã ký hợp đồng 500.000 đồng cho Phương Quang với lời hứa dạy cho em diễn xuất trên sân khấu chớ không phải chỉ luyện ca vọng cổ thôi.
Thế là nghệ sĩ Phương Quang rời đoàn hát Thống Nhứt - Út Trà Ôn, về cộng tác với đoàn Kim Chưởng cuối năm 1964.
Thành công với các vai “anh hùng”
Dưới bàn tay điêu luyện của nghệ sĩ minh sư Kim Chưởng, nghệ sĩ Phương Quang được học nghề hát một cách có bài bản và nghiêm túc. Anh trở thành một diễn viên đa năng, hát thành công được nhiều loại vai tuồng nhưng với vóc dáng mạnh khoẻ, tướng đi chững chạc, giọng ca cao vút và khoẻ khoắn, nghệ sĩ Phương Quang dễ thành công với các vai trung dũng, các võ tướng oai hùng.
Chỉ mới hai năm luyện nghề hát, Phương Quang đã được báo chí kịch trường và khán giả tán thưởng tài nghệ của anh qua các tuồng “Hai Chiều Ly Biệt”, “Song Long Thần Chưởng”, “Huyết Phiến Lôi Phong”, “Mặt Trời Đêm”, “Người Nhạn Trắng”, “Ảo Ảnh Châu Bích Lệ”, “Sương Gió Biệt Vương Cung”.
Phương Quang có làn hơi trầm ấm, cách nhã chữ ngân nga gợi cảm. Lối ca chân phương đôn hậu như lối ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn nhưng Phương Quang tự nhận là anh không hề bắt chước Út Trà Ôn. Anh ca bằng sự rung cảm của con tim, tùy theo câu văn, tùy theo ý nghĩa từng đoạn vọng cổ, anh ngắt hơi hay chạy chữ cũng chỉ vì muốn ca lên được nội dung của bài ca. Và vô tình cách ca cùng sắp chữ của Phương Quang theo thể thức của bậc đàn anh Út Trà Ôn.
Năm 1966, nghệ sĩ Phương Quang và nghệ sĩ Phượng Liên, hai học trò của nghệ sĩ lão thành Kim Chưởng cùng đoạt được hai huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1966.
Nghệ sĩ Phương Quang rất được thính giả ái mộ qua các bản vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu”, “Ông Lão Chèo Đò”, “Gánh Nước Đêm Trăng”…Dù mang giọng ca âm hưởng của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn nhưng tuyệt nhiên giọng ca của Phương Quang không phải là bắt chước, mà đây là giọng hát chân phương, mộc mạc rất độc đáo, với lối sắp cây, nhã chữ tinh tế và quyến rũ người nghe.
Trong các chương trình phát sóng của các đài truyền hình Bình Phước, Cần Thơ, Saigòn, tiết mục Đờn Ca Tài Tử, Vầng Trăng Cổ Nhạc… nghệ sĩ Phương Quang vào vai ông Hai Tri Kỷ rất được khán thính giả ham mộ về giọng ca khoẻ khoắn và đôn hậu của Phương Quang, thể hiện tính cách chân thật của người dân miệt vườn vùng sông nước Hậu Giang.
Khi đoàn hát hát ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Mỹ Tho, Sông Bé, những địa phương có nhiều hội đờn ca tài tử địa phương, đoàn hát được mời tham gia đờn ca hòa điệu vui chơi với người địa phương thì luôn luôn Phương Quang là người xung phong ca trước, làm gạch nối tình cảm hữu hiệu giữa nghệ sĩ trong đoàn và ca nhạc sĩ địa phương.
Sau năm 1975, Phương Quang về hát cho đoàn Trần Hữu Trang, đóng cặp với nữ nghệ sĩ Thanh Vu, tuồng “Nàng Xê Đa”, Phương Quang trong vai Hoàng Tử Rim.
Phương Quang có làn hơi trầm ấm, cách diễn chững chạc bộc lộ được cái hào khí của nhân vật, vừa ung dung đĩnh đạc, vừa tỏa sáng vẻ hùng dũng oai phong nên Phương Quang hát rất thành công các nhân vật anh hùng như Quang Trung Nguyễn Huệ trong Tiếng Sóng Rạch Gầm, vai anh hùng Lê Lợi, vai hoàng tử Rim.
Nghệ sĩ Phương Quang được mời đi hát ở nước Pháp hai lần nhân dịp Hội Người Việt tổ chức Tết. Sau này tình hình sân khấu cải lương sa sút, anh ít xuất hiện trên sân khấu rạp hát thành phố. Anh thỉnh thoảng đi ca show ở các tụ điểm văn hóa hay đôi khi đi hát tăng cường các đoàn hát tỉnh.
Gia đình hạnh phúc gương mẫu
Về gia đình thì năm 1972, nhân dịp Phương Quang thu hình tuồng cải lương trên đài truyền hình, một nữ khán giả ái mộ anh, đến trò chuyện. Anh bị tiếng sét ái tình nên nhiều lần tìm cách gợi chuyện với người nữ khán giả khả ái đó. Một năm sau tình yêu đơm bông kết trái, Phương Quang và cô Hương chánh thức thành hôn với nhau. Chị là người sồng ngoài nghề hát nhưng chính là người tận tâm tận lực giúp cho chồng có phương tiện và cơ hội để đeo đuổi theo sự nghiệp sân khấu.
Có khoảng thời gian sân khấu mất khán giả, gánh hát không hát được, kinh tế gia đình gặp khó khăn, chị Hương phải chạy lo cho gia đình từng bữa ăn mà không hề than van nửa lời. Chị làm nhơn viên kế toán rồi chuyển sang buôn bán, vượt qua cực khổ để làm bổn phận người vợ hiền.
Nay thì kinh tế gia đình ổn định, không phải lo nhiều như trước kia, chị quyết lo cho con học đến nơi đến chốn. Con gái lớn, Quế Phương đã tốt nghiệp đại học kinh tế và làm ở một công ty nông sản xuất, con trai Quang Bảo cũng đã tốt nghiệp lớp 12.
Có thể nói gia đình của Phương Quang hạnh phúc ấm êm, không có chuyện gì xáo trộn, có thể kể là một trong những gia đình nghệ sĩ gương mẫu về sự thủy chung, tình yêu và sự hy sinh phần cá nhơn riêng để chăm sóc lẫn nhau.
Sources: rfa |