Ngày Đăng: 02 Tháng 03 Năm 2010 Quế Trân lớn lên theo từng bước dìu dắt, nâng đỡ của cha - NSND Thanh Tòng - và chưa bao giờ cô làm buồn lòng cha, dù chỉ là một chuyện nhỏ
Sự kiện cô con gái Quế Trân được tuyên dương “Công dân tiêu biểu của TPHCM năm 2009” là niềm vui quá lớn của NSND Thanh Tòng. Gương mặt ông càng rạng ngời hạnh phúc sau sự kiện ấy, bởi cô con gái đã làm rạng danh thêm cho dòng tộc và gia đình ông.
| NSND Thanh Tòng-nghệ sĩ Quế Trân |
Truyền nhân
NSND Thanh Tòng kết hôn với bà Ngọc Nhung và sinh được hai người con: Nhựt Tân và Quế Trân.
Ông cho biết từ khi bắt đầu chập chững biết đi, bé Châu (tên thường gọi của nghệ sĩ Quế Trân) đã biết cầm cây kiếm bằng nhựa quơ quơ bên bàn viết tuồng của cha.
Nhựt Tân và Quế Trân từ năm lên 6, lên 7 tuổi đều được cha cho theo nhóm đồng ấu Bạch Long để học nghề. Khi lớn lên, Nhựt Tân lại chuyên tâm học nghề kinh doanh, chỉ có Quế Trân nối nghiệp cha trong niềm tin yêu của cả gia đình.
Tối 7-3, kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, gia đình NSND Thanh Tòng và Công viên Văn hóa Đầm Sen sẽ tổ chức chương trình Quế Trân Hương Xuân – má lúm đồng tiền lần 2, tại sân khấu Ngôi sao. Qua chương trình này ban tổ chức sẽ trao tặng 100 phần học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học. Đây là lần thứ hai gia đình NSND Thanh Tòng tổ chức live show mang ý nghĩa cao đẹp này. Trong đêm diễn, Quế Trân sẽ biểu diễn các trích đoạn và bài ca cổ mới do NSND Thanh Tòng sáng tác cho con gái.
Trong giới nghệ thuật tuồng cổ, NSND Thanh Tòng được xem là tướng soái. Sau người dượng rể – NSND Thành Tôn - qua đời, ông là chưởng môn nhân duy nhất đủ bản lĩnh lèo lái con thuyền nghệ thuật của gia tộc, có 5 đời nối nghiệp, vượt bao thác ghềnh tiếp tục tiến lên trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
Có lẽ ý thức được tầm quan trọng này, ngay từ năm ông 18 tuổi, cha ông – nghệ sĩ Minh Tơ - đã huấn luyện ông kỹ năng viết tuồng.
Kịch bản Bao Công vô lò gạch gây tiếng vang một thời là tác phẩm đầu tay của NSND Thanh Tòng.
Ông đúc kết rằng gia tộc ông vốn khó tính với hậu duệ: “Người trong họ ít khi khen nhau mà còn tìm khuyết điểm để chỉ trích, nhằm tiêu diệt thói tự cao, tự đại, kiêu căng mà nghề hát thường mắc phải. Cha tôi hồi còn sống cho đến lúc thác đi, chưa bao giờ khen con.
Chỉ một lần khi tôi bị tai nạn trên đường lưu diễn ở Long An, gãy chân phải băng bột, trong khi vở Tô Hiến Thành xử án sắp sửa phúc khảo, các em tôi phải khiêng băng ca đưa tôi đến bên sàn tập để dàn dựng cho kịp ngày phúc khảo, lúc đó cha tôi nói: “Mua nhân sâm về nấu cho thằng Tòng uống đi bây!”. Đó có lẽ là câu nói ngọt nhất từ trước đến giờ tôi được nghe cha tôi nói”.
Dạy mình trước khi răn người
Từ ngày bắt đầu viết tuồng, ông hiểu hơn những điển tích, điển cố về lòng trung hiếu tiết nghĩa của những nhân vật trên sân khấu. Ông tự suy ra từ những bài học của người xưa để hình thành nhân cách sống ngày nay, thông qua các vai diễn trên sân khấu. Chính điều này đã giúp cho bộ môn cải lương tuồng cổ vẫn tồn tại trong lòng khán giả, vì “dẫu có xưa nhưng luôn dạy người ta những điều tích thiện, tu tâm” – NSND Thanh Tòng nói.
Ông luôn nghĩ đến công lao vun đắp của gia tộc từ thời bà cố Vĩnh Xuân đến ông nội Bầu Thắng, rồi đến cha ông để hình thành nên những kiệt tác tuồng cổ để đời với biết bao điều răn dạy con người sống xứng đáng với kiếp nhân sinh. Điều mà cả giới sân khấu đều công nhận là ông sống nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Ông tuyệt đối không dính đến những xì-căng-đan về chuyện “ong - bướm, mèo - chuột” thường hay xảy ra với các kép hát, dù Thanh Tòng là một chàng kép điển trai, hát hay, múa đẹp và có rất nhiều nữ khán giả sủng ái.
Với NSND Thanh Tòng, ông sống nghiêm khắc với bản thân không phải vì giữ gìn danh tiếng cho ông mà cho cả gia tộc và để làm gương cho con cháu. Những thú vui “tứ đổ tường” của những anh kép cải lương sáng giá một thời đều không có hấp lực đối với ông.
“Ráng hát hay nghe con!”
Quế Trân lớn lên ốm yếu, đau bệnh hoài nên gia đình rất lo. Cô bé lên 8 tuổi nhưng chỉ cân nặng 22 kg. Lúc đó Quế Trân tập diễn vai Na Tra trong vở Na Tra đại náo thủy cung. Nhìn con nước da xanh mét hăng say tập, NSND Thanh Tòng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con.
Cứ nghĩ cô bé sẽ khó mà theo nghề nếu chỉ cân nặng khiêm tốn như thế. Rồi gia đình họp lại, quyết định cho Quế Trân nghỉ sinh hoạt ở nhóm Đồng Ấu để dồn tâm huyết cho việc học văn hóa. Cô bé khóc ròng trong suất diễn chia tay với nhóm để yên tâm đi học chữ.
Quế Trân kể: “Tôi thấy mình hụt hẫng nhưng vì không muốn làm cha mẹ buồn. Cha tôi thường nói rằng giới nghệ sĩ cải lương lâu nay bị coi thường bằng câu nói: “cải lương ít học”. Ông không muốn các con bước ra đời mà tri thức yếu kém.
Tôi cắp sách đến trường, tốt nghiệp THPT rồi vào học Trường Cao đẳng Kinh tế. Cha tôi không muốn tôi dính dáng đến nghề hát khi chưa hoàn thành việc học chữ.
Nhưng rồi khi nhìn thấy cha đã già mà vẫn phải lặn lội đi hát ở các tỉnh xa xôi, tài chính của cả nhà chỉ nhờ vào những trang bản thảo kịch bản và nghề hát của cha, tôi quỳ xin cha tôi cho tôi được về với sân khấu, đỡ đần ông gánh nặng gia đình. Năm đó cũng là năm tôi đoạt HCV Giải Trần Hữu Trang (năm 1998).
Cha tôi khóc trong đêm tôi nhận giải. Ông khóc không chỉ mừng cho tôi đã vượt qua những khó khăn của các vòng thi mà vì ông biết tôi có thể thực hiện được tâm nguyện của ông là giữ gìn bản sắc của bộ môn cải lương tuồng cổ”.
Riêng NSND Thanh Tòng, nói đến con gái, ông chỉ cười và nhắc lại: “Gia tộc Thanh Tòng hồi nào tới giờ không bao giờ khen con cháu trong nhà. Con tôi còn nhiều khuyết điểm lắm, phải phấn đấu hơn nữa”.
Nhìn con gái chuẩn bị đi hát mỗi tối, ông dặn dò những câu quen thuộc giống như cha ông dặn ông ngày xưa: “Ráng hát hay nghe con!”.
Sources: nld |