Ngày Đăng: 13 Tháng 05 Năm 2015 Con người làm thay cho máy, đó là cách thức làm việc của một thị trường còn nhỏ, nghèo. Nhưng sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của con người thì không có thứ máy móc nào có thể thay thế được
Đối với điện ảnh - ngành nghệ thuật liên quan chặt chẽ đến công nghệ, trình độ và tiền bạc - thì kinh phí quyết định phần lớn sự hoành tráng và cả chất lượng phim. Nhưng không phải không có ngoại lệ, vẫn có thể cải thiện chất lượng phim nếu những người làm phim kỹ tính, thậm chí là... khó tính - giới chuyên môn khẳng định như vậy.
Tỉ mỉ từ cái nhỏ nhặt
Cho đến nay, những diễn viên Việt Nam được chọn hợp tác với ê-kíp làm phim nước ngoài không nhiều nhưng tất cả họ đều thừa nhận rằng làm việc với người nước ngoài khác xa với những gì họ đã từng trải qua trên thị trường phim Việt.
Trong vai vệ sĩ phim “Noble” của đạo diễn Stephen Bradley, Kinh Quốc kể anh thán phục cách làm việc của đoàn làm phim. Để quay cảnh chạy xe máy ưng ý, đạo diễn buộc anh phải lên Trung tâm Thể thao Thành Long tập xe. Đoàn phim dành cho anh 1 tuần để tập chạy xe, thuê đạo diễn Quốc Thịnh quay hình lại kiểm tra và thuê cả mấy diễn viên chỉ để ngồi sau xe máy cho Kinh Quốc chở thử.
| Diễn viên Kinh Quốc trong phim “Noble”. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp) |
Chuyện tưởng là đùa với Việt Nam, nơi mỗi người dân có thể chạy xe máy như xiếc, song hoàn toàn có thật và rất nghiêm túc đối với đoàn làm phim “Noble”. Kinh Quốc nhìn nhận: “Điều đó cho thấy thái độ làm việc rất chuyên nghiệp của các đoàn phim nước ngoài. Trước khi ra trường quay, mọi người được chuẩn bị kỹ đến mức họ đều biết phải làm gì khi đứng trước máy quay chứ không ngớ ngẩn đến mức cần cả người nhắc thoại như phim Việt”.
Nghệ sĩ Mạc Can kể có lần đi làm với đoàn phim nước ngoài, ông ngồi chờ từ 15 giờ đến 20 giờ vẫn chưa thấy ai đả động đến việc đóng phim. Hỏi thăm tay trợ lý lúc nào anh ta cũng nói “chịu khó chờ một tí”. Kiên nhẫn chờ đến 23 giờ, có cô hóa trang vào thay trang phục, gắn râu, chải tóc rất chỉn chu rồi lại... chờ. Đêm đó, đoàn yêu cầu ông ngủ luôn trên ghế sofa của phòng trang điểm vì sáng mai quay sớm. Hai đêm ngủ tại trường quay, 6 giờ sáng, đoàn phim đã í ới làm việc nhưng chỉ thấy họ chăm sóc cô diễn viên Tây tóc dài, trang phục lộng lẫy như bà hoàng, còn Mạc Can thì vẫn... chờ. Mãi đến gần tối, Mạc Can mới được đứng trước ống kính quay, tung vài chiêu ảo thuật vòng sắt... Chỉ mỗi cảnh quay này mà mất bao nhiêu là thời gian và đêm đó, Mạc Can tiếp tục bị bắt ngủ lại vì “lệnh” không được về nhà. Lòng thắc mắc nhưng ông không dám hỏi, đến sáng hôm sau, dò hỏi tay trợ lý ông đóng vai gì thì Mạc Can mới biết mình đóng vai ông già ảo thuật đường phố, thấy cô gái có mái tóc đẹp tuyệt vời và đưa mắt “dại khờ” nhìn ngây ngất... Thế thôi!
“Trời đất, chỉ có vậy mà sao nhốt tôi 2 đêm?”. Trợ lý trả lời tỉnh queo: “Sợ sai rắc-co ông nội ơi; cho ông về, ông đi mất tiêu tôi biết đường nào mà tìm!”.
Diễn viên Bình Minh thì “choáng” khi sang Nhật đóng một vai nhỏ trong “Người cộng sự”. Cho dù Bình Minh chỉ đảm nhiệm một vai phụ nhưng được chăm sóc kỹ lưỡng và “khi không bị chi phối bởi những thứ lặt vặt khác, diễn viên chỉ việc tập trung cho kịch bản thì chắc chắn vai diễn phải tốt rồi”.
Gặp Trương Ngọc Ánh - người đẹp vào vai Hương Ga - cả tháng sau khi đoàn phim đã đóng máy, tay chân và khắp cơ thể cô vẫn còn nguyên mấy chục vết bầm tím gần như thành sẹo vì Ánh đã phải tập thể lực cực nhọc và tập cả các thế võ, chịu khá nhiều đòn đau. Mặc dù trong phim, Trương Ngọc Ánh không hề phải “đánh đấm” một cảnh nào nhưng cái gì cũng vậy, không có thực chất thì không thể diễn đạt tốt được, cho nên đã vào vai “anh chị” thì không thể không biết vài chiêu phòng thân.
Phải “khó tính” mới có phim hay
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc nói: “Khi tham gia đoàn phim Hàn Quốc trong phim “Thúy”, tôi thấy cách thức làm phim của họ cũng không vượt trội hẳn so với điện ảnh Việt. Nhưng cái chính là họ luôn tỉ mỉ trong mọi thứ. Phục trang tôi mặc cho một cảnh quay nếu chỉ thiếu một nếp gấp như trong kịch bản, họ sẵn sàng dành thời gian để kiếm cho ra bộ trang phục khác, phù hợp nhất. Chính điều đó đã tạo nên sự logic, chặt chẽ trong từng chi tiết nhỏ trên phim. Sức hút với khán giả cũng xuất phát từ đó”. Cũng theo Lan Ngọc, điện ảnh Việt không thiếu diễn viên giỏi, kịch bản hay cũng không thiếu, bối cảnh Việt thì quá đặc sắc, chỉ cần có được những ê-kíp kỹ tính.
Á hậu Hoàng My, đang theo học làm phim ở Hollywood, bảo rằng: “Ở một thị trường còn non trẻ như điện ảnh Việt, thật khập khiễng để đòi phải có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại bậc nhất như kinh đô điện ảnh Hollywood. Nhưng nếu chúng ta cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong từng khâu thì phim Việt sẽ hạn chế tối đa những điều vô lý, những hạt sạn không đáng có trên phim”.
Con người làm thay cho máy, đó là cách thức làm việc của một thị trường điện ảnh còn nhỏ, nghèo. Nhưng sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của con người thì không có thứ máy móc nào có thể thay thế được. Điện ảnh Việt đang bước vào giai đoạn chuyển mình với sự đầu tư nhiều hơn từ các nhà sản xuất. Công chúng có quyền kỳ vọng vào sự hay ho, thú vị hơn ở điện ảnh nước nhà.
Để có được điều đó, trước mắt, mỗi cá nhân cần phải có cái tâm với điện ảnh, với công chúng thay cho trào lưu ăn theo, chỉ đơn thuần là kiếm lời như hiện tại.
Đáng đồng tiền bát gạo
Tất nhiên, nghệ sĩ Mạc Can hay diễn viên Kinh Quốc đều được trả thù lao rất cao, thậm chí cao nhất trong sự nghiệp như lời Kinh Quốc thừa nhận. Nghệ sĩ Mạc Can nhận 11.000 USD cho 3 giờ diễn, bao gồm cả tiền chờ trong 2 ngày để quay. Nhưng rõ ràng, mọi chi phí bỏ ra rất đáng đồng tiền bát gạo vì đều nhằm mục đích bảo toàn sự hoàn hảo cho phim.
Sources: nld |