Ngày Đăng: 20 Tháng 01 Năm 2011 Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ là diễn viên Sân Khấu, Điện Ảnh, ngoài ra, chị còn là một giọng ngâm thơ, một tiếng hát quen thuộc của các đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,... Nhưng đột ngột chị bỏ sân khấu và ít lâu sau xuất hiện trên phim truyện.
Để đáp ứng yêu cầu của khán thính giả ái mộ, chúng tôi làm cuộc phỏng vấn để biết do động lực nào thúc đẩy một diễn viên đang sáng giá bỗng nhiên từ bỏ sân khấu.
Dạ Thảo: Chị nghĩ gì về tình hình sân khấu hiện nay?
Ns. Lý Bạch Huệ: Sân khấu hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, mặc dù phải sống như con nước chảy qua vùng đất đỏ, đục ngầu. Khách quan mà nói, thì nó đang bị chi phối nhiều mặt. Phần lớn ngườøi ta hay đổ lỗi cho “khách quan” để khỏa lấp cái yếu kém về mặt lãnh đạo trong nghệ thuật. Điều nầy dễ dàng nhận thấy sau mỗi lần lên tiếng và chỉnh đốn; nhưng nó vẫn đi xuống hoặc, nếu có “tài ba” lắm thì vẫn chỉ ở mức đó... Điều đáng nói nhất là giai đoạn xuống dốc hiện nay của sân khấu lại đang ở vào thời điểm cởi mở của cuộc đổi mới toàn diện.
Nhiều kịch bản xưa đã từng đi sâu vào lòng khán giả nay được hồi sinh! Biết bao nhiêu kịch bản được dàn dựng khá công phu - công tâm mà nói có những kịch bản dàn dựng quy mô, tốn kém hoặc hay hơn trước đây, thế mà vẫn không thoát khỏi vòng kiềm tỏa vô hình nầy! Tuổi thọ một kịch bản trung bình không quá ba tháng, thậm chí chỉ một tháng.
Chưa hết, bên cạnh đó còn có nào là “Câu Lạc Bộ Tài Năng”, Nhóm Nghệ Sĩ nầy, Nhóm Nghệ Sĩ nọ... ra sức, nổ lực giành giựt khán giả, vậy mà khán giả vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.
Nếu chúng ta đổ lỗi cho khán giả thì không đúng, bởi lẽ, nhận thức trên khía cạnh thẩm mỹ nghệ thuật thì từ lâu giới lãnh đạo nghệ thuật sân khấu buông lơi lãnh vực nghiên cứu thị hiếu quần chúng. Làm nghệ thuật mà đề ra chỉ thị định hướng thưởng thức nghệ thuật cho khán giả thì hoàn toàn không đúng.
Trên phương diện khác, cũng không kém phần quan trọng, thời đại bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin trên vi tính, trẻ em có phương tiện giải trí của trẻ em. Nông dân, thanh niên, trí thức,... dễ dàng chọn lựa những sở thích riêng tư trên mạng... Trong khi đó, trong lãnh đạo nghệ thuật, nội tình luôn dao động, nạn bè nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết... Họ lo đấu đá nhau còn thì giờ đâu để đầu tư tim óc trong việc nâng cao nghệ thuật? Đa số giới lãnh đạo nghệ thuật sân khấu hiện nay đều lâm vào tình trạng nầy.
Tóm lại, theo tôi nghĩ, tình hình sân khấu hiện nay chỉ còn giá trị ở hai tiếng “Báo động” mà báo chí trướùc đây đã nhiều lần đề cập tới. Tình trạng trên làm cho những người có tâm huyết vì nghệ thuật và những nghệ sĩ yêu nghề rất đau lòng.
Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩ của riêng tôi, còn nếu khẳng định lý do vì sao sân khấu đi xuống thì tôi xin nhường cho những nhà nghiên cứu xã hội hay các nhà phê bình sân khấu nói có lẽ chính xác hơn. Bởi vì, nếu chúng ta đã biết nguyên nhân đi xuống thì có lẽ tình hình sân khấu sẽ không bị tồi tệ như ngày nay.
Dạ Thảo: Lý do gì chị từ bỏ sân khấu?
Ns. Lý Bạch Huệ: Theo tôi, chúng ta không thể dùng mấy từ “tạm rời” hay “bỏ” sân khấu. Tôi nhớ, nghệ sĩ Thanh Nga có lần đã nói: “Là người nghệ sĩ thì phải đứng trên sân khấu, có chết là chết trên sân khấu mới đúng nghĩa.” Như thế mới hay hơn.
Tuy nhiên, trường hợp của tôi có thể dùng hai tiếng “tạm rời” ấy để nói lên quan điểm của tôi rằng: “Sở dĩ, dùng như vậy là vì cuộc sống của tôi luôn có duyên nợ với nghệ thuật. Ngoài việc kiếm miếng cơm manh áo trong lúc ngặt nghèo, tôi còn được đến với những tấm lòng luôn đối xử với nhau bằng tình cảm con người thật sự. Những lý do về sân khấu xuống cấp, đã nói ở phần trên khiến lòng tôi ray rứt khôn nguôi, nó đưa tôi vào cảnh quẫn bách. Tôi phải tìm lối ra cho chính mình. Khi ra đi, tôi mang theo một tâm trạng buồn bã và vô tình tôi lọt vào đôi mắt của một đạo diễn điện ảnh. Họ nhìn thấy tôi ở chỗ không câu nệ vai vế, tiền bạc. Với tôi, phục vụ nghệ thuật là trên hết. Vai diển đầu tiên của tôi trên những thước phim là một góa phụ cơ hàn lam lủ.
Dạ Thảo: Bước vào thế giới nghệ thuật mới, chị thấy thế nào?
Ns. Lý Bạch Huệ: Đối với tôi điện ảnh cũng là một bộ môn nghệ thuật có khác hơn sân khấu, vì đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, sống động. Điều kiện và khả năng của môn nghệ thuật nầy có thể đi khắp mọi nơi, đến với mọi giới. Ở môi trường điện ảnh người diễn viên được yêu mến và tôn trọng thật sự. Không có tình trạng “ngôi sao” lấn lướt, thậm chí “đè bẹp đến đầu”... Mỗi vai vế đều có giá trị riêng của nó, tạo thành một đường dây hài hòa để đúc kết nên một tác phẩm.
Dạ Thảo: Con đường nào dẫn chị đến thi ca để trở thành một giọng ngâm thơ được công chúng yêu thích?”
Ns. Lý Bạch Huệ: Thơ đã sánh đôi với tôi lúc còn ở ghế nhà trường. Thơ đã nói hộ với tôi những điều tôi muốn nói trong tình yêu, tình bạn và cuộc sống. Thơ đến với tôi không phải là rên rỉ mà là thi vị, theo đúng nghĩa của nó.Thơ không chỉ có giá trị trong văn học xưa, mà cả trong cuộc sống hiện nay thơ vẫn còn đóng vai trò không nhỏ.
Giữa thơ và ca có họ hàng với nhau, đôi khi mật thiết tưởng chừng không tách rời ra được. Vì vậy mà trước đây, trên bước đường truân chuyên nghệ thuật, anh Hải Đăng là người đầu tiên phát hiện được tiếng thơ của tôi sau bức màn sân khấu, thế là anh thử nghiệm kết hợp thơ ca của tôi trên làn sóng qua bài Quê Hương của tác giả Dương Kinh Thành, dựa theo thơ của Đỗ Trung Quân, nhạc của Giáp Văn Thạch.
Từ đó, tôi được sống dậy với thơ thật sự và các chương trình tiếng thơ của đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh do anh Hồ Thi Ca đảm trách, tôi được góp phần cống hiến khán thính giả yêu thích thơ.
Dù chưa biết con đường nghệ thuật của tôi về sau sẽ còn dài đến bao giờ. Hiện nay dù chưa toàn vẹn, nhân đây tôi cũng xin gởi lời tri ân đến quý anh, chị, bạn bè... đã góp phần nâng đỡ, nuôi nấng, khuyến khích tôi được tiếp tục làm nghệ thuật, dù bất cứ bộ môn nào. Tôi cũng cám ơn quý khán thính giả đã thương yêu, ái mộ tôi trên sân khấu và trên màn ảnh, vì đó là những tình cảm nhân ái trên một giao lộ tràn đầy đùm bọc, yêu thương.
Sources: datdung |