Ngày Đăng: 15 Tháng 09 Năm 2012 Tối 14-9, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã ra mắt vở Tiếng vạc sành do NS hài Trung Dân sáng tác kịch bản và lần đầu tiên soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, đã được đạo diễn Phan Quốc Kiệt dàn dựng tại rạp Thủ Đô - TPHCM.
Đây là một trong vở diễn đại diện TPHCM tham dự Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 do Cục NTBD Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 10-2012 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Được công diễn trên sân khấu kịch IDECAF cách đây hơn 4 năm, kịch bản Tiếng vạc sành (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy) đã tạo được một sức hút kỳ lạ đối với khán giả. Nay, qua bút pháp chuyển thể cải lương sâu sắc của soạn giả Hoàng Song Việt, câu chuyện mà NS hài Trung Dân sáng tác đã được lồng ghép thêm nhiều thông tin thời sự về cơn sốt nhà đất, sự xuống dốc của giá cả thị trường bất động sản, làm tăng thêm nỗi day dứt âm ỉ trong lòng khán giả trước những nghiệt ngã mà sự bất hiếu của người con đã đổ ụp xuốn đời mẹ mình. Cả hai nghệ sĩ Trung Dân và Hoàng Song Việt đều tâm đắc với đề tài này nên có sự ăn ý trong việc chuyển thể, mang lại cảm xúc mãnh liệt cho người xem.
Bối cảnh chính của vở là một mái tranh nghèo heo húc. Ở cái cồn nhỏ có ngôi nhà bà Thơm, có chồng hy sinh trong kháng chiến, có người em trai chung thủy với người yêu bị giặc sát hại, dù lớn tuổi vẫn không chịu cưới vợ để chăm sóc chị mình.
Những ký ức về cuộc đời, về tuổi thơ rộn rã tiếng cười của hai đứa con bà Thơm, khi Hải - người anh hy sinh để cho em mình – Hậu tiếp tục lên Sài Gòn vào đại học. Nhưng Hậu đã mải mê chạy theo đồng tiền để mẹ già ngày đêm trông ngóng. Tiếng vạc sành vang lên mỗi đêm thôi thúc bà Thơm dự báo chuyện chẳng lành. Đúng vào ngày giỗ của chồng bà, Hậu dẫn vợ về ra mắt, liền sau đó là sự đau đớn tột cùng khi biết con mình đang bị truy nã do buôn bán ma túy.
Người xem cười ngả nghiêng trước đó với sự hài hước qua nét diễn duyên dáng của các nghệ sĩ, rồi liền sau đó nghe nghẹn trong lòng khi ngọn dao tranh giành quyền thừa kế mảnh đất của cha mẹ, mà Hậu đã giết chết anh trai mình. Chính vì thương con một cách mù quáng, bà Thơm không khai báo với chính quyền, không làm theo lời khuyên của em trai bà, đã rước lấy bi kịch.
Điều sâu sắc qua chuyển thể cải lương chính là điểm nhấn nhân bản trong cấu trúc vở diễn: Sự trở về của Hậu bồi thêm sức lực cho mẹ, qua tài năng ca diễn của NS Quỳnh Hương, nhưng rồi sau đó phải lãnh án tử hình, nhấn chìm nỗi mong chờ ngày đoàn tụ của mẹ. Người xem lên án Hậu, nhưng lại thầm trách tình thương của một bà mẹ đã quá cưng chìu con, để rồi mất cả hai đứa con. Khi cánh màn nhung khép lại, vở cải lương Tiếng vạc sành buộc người xem lau nước mắt và suy ngẫm.
Tất cả đều đau cùng với những nhân vật ngỡ có cuộc sống bình yên, nhưng không biết được đằng sau những góc khuất của lối sống đô thị đã mang cơn bão dữ về cho gia đình mình. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: Quỳnh Hương, Dương Thanh, Lý Thu, Tô Tấn Loan, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Hoàng Hải, Hoàng Minh Vương…thật sự là một tác phẩm hay của sân khấu cải lương sau nhiều năm đóng màn chờ vở mới.
Sources: news |